SearchNews

Ngành thép: Bấp bênh hướng đến xuất khẩu

10/02/2012 11:17

Thị trường thép trong nước được dự báo dần dần phục hồi kể từ quý II/2012

Mục tiêu tăng trưởng sản xuất năm 2012 được Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) đặt ra rất thấp, chỉ từ 3 - 4%. Đây là mức tăng trưởng rất khiêm tốn so với thời kỳ tăng trưởng đỉnh cao 2005 - 2009, đều ở mức trên 20%/năm.

Thị trường thép 2012

Các DN cần cơ cấu lại

Lý giải cho con số này, đại diện VSA ông Phạm Chí Cường cho biết năm 2012 Chính phủ tiếp tục đặt trọng tâm là kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường BĐS tiếp tục khó khăn, đầu tư công duy trì ở mức thấp nên nhu cầu xây dựng sẽ giảm, đặt các DN liên quan vào tình thế cạnh tranh gay gắt. Cũng nhận định về thị trường thép năm 2012 của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa thì cho rằng, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục gặp nhiều khó khăn. DN ngành Thép cần chú trọng nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm sau cán thép, liên kết các DN tạo nên sức mạnh cạnh tranh trên thị trường. Với mức dự báo tăng trưởng như vậy, nên sản lượng các sản phẩm thép sản xuất năm 2012 được VSA dự báo chỉ sản xuất phôi thép chừng 4,576 triệu tấn (so với 4,4 triệu tấn của năm 2011) và sản xuất sản phẩm thép trên 9,554 triệu tấn (so với hơn 9,186 triệu tấn của năm 2011).

Trước tình trạng này, vấn đề cốt tử nhất đặt ra cho các DN thép năm 2012 là làm thế nào duy trì sản xuất hiệu quả chứ không phải sản xuất bằng mọi giá. Bởi hiện tại đang có nhiều dự án đầu tư đã dư thừa vì tình trạng đầu tư thiếu kiểm soát. Muốn vậy, theo nhận định chung thì các DN ngành Thép trong năm 2012 phải cơ cấu lại vấn đề sản xuất và ngành thép cần đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu tiềm năng trong khu vực cũng như trên thế giới để tiêu thụ sản phẩm..

Ngoài ra, các chuyên gia ngành Thép dự báo việc đầu tư vào các dự án thép sẽ chững lại trong các năm tới do ảnh hưởng của thị trường và do công suất sản xuất các loại thép xây dựng, thép cán nguội đã vượt xa nhu cầu tiêu thụ tại thị trường trong nước. Chính vì thế, đối với các dự án đầu tư của ngành thép trong năm 2012, VSA cho biết: Các dự án đầu tư dở dang trong nước như dự án thép Liên hợp ở Lào Cai, dự án giai đoạn II của Gang Thép Thái Nguyên sẽ được tiếp tục tiến hành. Các dự án FDI của đối tác nước ngoài hiện tại chỉ có dự án Formosa Hà Tĩnh của Đài Loan đang tiến hành san lấp mặt bằng (giai đoạn I 7,5 triệu tấn/năm ) và tiếp tục triển khai xây dựng trong năm 2012…

Bấp bênh hướng đến xuất khẩu

Thị trường thép trong nước được dự báo dần dần phục hồi kể từ quý II/2012. Bên cạnh đó, mặt bằng giá thép trong nước vẫn phụ thuộc chủ yếu vào xu hướng giá trên thị trường thép thế giới. Trong khi đó, VSA dự báo do những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế và chính trị của thế giới, năm 2012 nhiều nước vẫn tiếp tục thực thi chính sách kinh tế có kiểm soát chặt chẽ, cắt giảm đầu tư, giảm nợ công làm cho tiêu thụ sản phẩm thép sẽ giảm sút. Những nước nhập khẩu nhiều thép như Mỹ và Tây Âu sẽ giảm bớt số lượng nhập khẩu làm cho lượng thép của các nước xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ dư thừa vì vậy giá thép thị trường thế giới khó tăng cao. Giá thép thị trường trong nước năm 2012 theo dự báo của VSA sẽ biến động không lớn. Hơn nữa tình trạng cung lớn hơn cầu trong sản xuất thép ở Việt Nam vẫn còn trầm trọng trong năm 2012 làm cho giá thép trong nước khó có thể tăng, tình trạng sốt giá sẽ không xảy ra. Tuy nhiên việc tính đủ các yếu tố đầu vào cho sản xuất thép như điện, xăng, dầu, than… theo giá thị trường sẽ ảnh hưởng tới giá thành và giá bán các sản phẩm thép trong năm 2012.

Thị trường thép 2012

Với thực tại lượng thép cung đang vượt xa nhu cầu trong nước, nên vấn đề quan trọng nhất là ổn định đầu ra, hướng đến xuất khẩu. Năm 2011, ngành Thép cả nước xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn thép, nhưng cũng cần phải hiểu rằng sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thế giới sẽ không tạo thuận lợi cho ngành thép của Việt Nam khi hướng đến xuất khẩu. Bởi vì bước sang năm 2012, kinh tế nước ngoài cũng không thuận lợi nên các DN phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như các vụ kiện chống bán phá giá; cùng với năm nay, việc hội nhập kinh tế thế giới sâu hơn, hàng rào thuế quan của Việt Nam phải giảm dần theo lộ trình cam kết WTO và AFTA, thép nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước trong khu vực ASEAN với ưu thế giá rẻ sẽ càng tạo thêm áp lực cạnh tranh cho các DN thép trong nước.

Ngoài ra, đặc thù kinh doanh của ngành Thép là phải sử dụng vốn vay lớn, trong đó, vay từ ngân hàng chiếm tới 70 - 80%, thậm chí là 100% để đầu tư sản xuất trong khi lãi suất vay vốn ngân hàng vẫn ở mức cao, nên khả năng cạnh tranh rất thấp và luôn trong tình trạng phụ thuộc. Trong khi đó, các DN thép nước ngoài khi đầu tư sản xuất thì vốn tự có của họ chiếm phần lớn, do đó khả năng cạnh tranh của họ rất mạnh.

Trước những vấn đề khó khăn cần phải đối mặt để tìm cách tồn tại, ngành Thép của Việt Nam cần phải có lời giải cho bài toán khó này. Nhưng trước hết, tìm và cạnh tranh với thị trường xuất khẩu thép vẫn đang là hướng đến của các DN để tránh khủng hoảng hàng tồn.

Các bài đọc nhiều:

Bất động sản Bình Dương: Những diễn biến trái chiều

Dự án giãn tiến độ: Kẻ mừng, người lo

> “Sa lầy” với đất dịch vụ

> "Vớt vát" cứu thị trường bất động sản

> Bất động sản nghỉ dưỡng hút nguồn kiều hối

> Thị trường bất động sản cần một nguồn vốn “dài hơi”

> Bất động sản: Sẽ mở ra một thời kỳ ấm áp

(Theo Báo Xây Dựng)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu