Từ xưa cha ông ta đã coi việc tạo dựng nơi cư ngụ là điều quan trọng nhất, thiêng liêng nhất. Đúng như câu nói: "Có an cư mới lạc nghiệp".
Cùng với chất lượng sống ngày càng cao, nhu cầu tìm kiếm một nơi để ở đã thay đổi rất nhiều. Ngày nay, những người có tiền luôn muốn được đáp ứng nhiều hơn một nơi cư ngụ thông thường, thay vào đó là những ngôi nhà có thiết kế hoàn chỉnh, vừa đáp ứng đầy đủ những công năng sinh hoạt cơ bản như tiếp khách, nấu ăn, ngủ nghỉ, vừa có những không gian giải trí khác như phòng hát, phòng đọc hay thậm xa xỉ hơn là khu vực spa, gym…
Đồng thời, kiến trúc ngôi nhà tuy không thiên về sự cầu kỳ, phô trương nhưng cũng cần tạo được sự tinh tế hoặc là sang trọng hoặc là hiện đại, gắn liền với đó là không gian sống phải chan hoà với thiên nhiên, cây cỏ thông qua nhiều hình thức có thể là tiểu cảnh trong, ngoài nhà với các dạng vườn khô, vườn nước, dàn dây leo, cây hoa…..Đặc biệt, khi gia chủ có nhu cầu xây nhà vừa để ở vừa để kinh doanh thì lại càng cần có sự đầu tư kỹ lưỡng để hai chức năng hài hoà và thuận tiện.
Vì vậy điều không thể phủ nhận là để xây lên một ngôi nhà, chủ nhân phải mất rất nhiều công sức qua nhiều khâu, giai đoạn khác nhau. Trang bị một số kiến thức cơ bản để công tác chuẩn bị đỡ mất nhiều thời gian và công sức hay cả tiền của là việc nên làm, đó cũng là tiền đề cho một không gian sống lý tưởng, đẹp mắt. Dưới đây là những bước cơ bản gia chủ cần nắm rõ khi có ý định xây dựng tổ ấm tương lai:
Vạch ra yêu cầu và ý tưởng về ngôi nhà trong tương lai:
Điều cần thiết đầu tiên của một chủ nhà là lên kế hoạch phác thảo mô hình ngôi nhà với diện tích đất có sẵn. Dự tính trong đầu những không gian cần sử dụng chia ra làm hai chức năng khác nhau là: khu vực sinh hoạt và khu vực giải trí (nếu cần thiết) bởi khi đã có sẵn những ý tưởng ban đầu thì việc bàn bạc với KTS sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn, quan trọng là gia chủ sẽ được tư vấn sao cho vừa đảm bảo đầy đủ yêu cầu sử dụng và được bố trí các không gian một cách hợp lý.
Việc các gia chủ tham khảo những ngôi nhà có diện tích và địa hình đất tương tự mà cảm thấy hài lòng cũng không phải là hoàn toàn xấu, tuy nhiên phải xác định rõ ràng mình cần gì, mong muốn gì ở ngôi nhà tương lai để không bị chi phối bởi nhiều công trình khác dẫn đến sự “tham lam” chắp nối tuỳ tiện và không tạo được cá tính cho ngôi nhà mình.
Nhiều gia chủ có suy nghĩ nhà rộng thường dễ bố trí hơn nhà nhỏ, điều này chỉ đúng trong trường hợp gia chủ biết cách sắp xếp phòng ốc khoa học, đẹp mắt và thuận tiện trong sinh hoạt, trên thực tế nhiều ngôi nhà diện tích lớn, xây cao tầng nhưng phòng ốc bố trí lộn xộn, diện tích chênh lệch nhau quá nhiều (trên một mặt sàn phòng hơn 30m2 phòng lại 8m2). Vì vậy, dù nhà lớn hay nhỏ nếu không có kinh nghiệm trong thiết kế hoặc không có thời gian tham khảo từ những ngôi nhà gia chủ nên nhờ KTS tư vấn không chỉ để giải quyết bài toán phân chia không gian mà còn giúp lấp đầy những khoảng trống hay góc chết, góc méo khó xử lý trong nhà.
Dự trù kinh phí:
Kinh phí xây dựng là một vấn đề lớn khi xây nhà, giá cả vật tư trong mỗi thời điểm lại có sự chênh lệch khác nhau thế nhưng gia chủ cũng cần lên phương án lựa chọn phù hợp với khả năng tài chính, tất nhiên là không thể chính xác vì còn có nhiều yếu tố phát sinh nhưng cũng nắm được sơ bộ khoản kinh phí phải bỏ ra để có sự chuẩn bị tốt hơn.
Khi chọn nhà thiết kế gia chủ nên trao đổi kỹ vấn đề này với họ bởi khi lên phương án thiết kế KTS bao giờ cũng phải nắm rõ tình hình tài chính có thể đầu tư để tìm ra phương án tối ưu nhất có thể. Từ khâu móng, làm dầm, tường…nếu tính toán hợp lý vẫn tiết kiệm được tiền đầu tư mà hoàn toàn đảm bảo an toàn, bền vững, thẩm mỹ. Thông thường có hai cách thực hiện xây nhà khi ký hợp đồng thi công: khoán hết cho nhà thầu hoặc chỉ khoán công. Trường hợp khoán hết cho nhà thầu, công việc của gia chủ là phải kiểm tra vật tư đưa vào có đúng chủng loại theo hợp đồng đã ký kết hay không, thi công có đúng theo kết cấu nhà hay không. Còn trong trường hợp chỉ khoán công, gia chủ phải hoàn toàn tự "chạy" vật liệu.
Luôn theo sát công trình trong quá trình xây dựng:
Dù đã có phương án thiết kế cuối cùng mà gia chủ hoàn toàn hài lòng và một đơn vị thầu uy tín, trách nhiệm thì việc luôn theo sát công trình từ những ngày đầu thi công là điều rất cần thiết, không chỉ xử lý kịp thời những phát sinh mới mà còn thể hiện gia chủ là người rất có tâm huyết và đặt nhiều kỳ vọng về ngôi nhà tương lai.
Khi xây nhà, sẽ có rất nhiều tình huống xảy ra mà khó lường trước được. Ví dụ như mảnh đất sát vách với hai nhà bên cạnh, gia chủ cần chú ý những hư hỏng đã có trước đó (tường nứt….) ghi rõ vào biên bản để tránh tranh cãi về sau. Có trường hợp vì thờ ơ, không để ý, gia đình người xây nhà phải đền bù chi phí sửa chữa mảng tường bị nứt trước đó cho người hàng xóm.
KTS. Nguyễn Sỹ Triệu
Công ty Tư vấn Kiến trúc và Xây dựng Trang Kim