SearchNews

Làm nhà theo phong cách Nhật

23/11/2011 10:22

Từ một số điểm tương đồng về tư tưởng Á Đông, ảnh hưởng của đạo Phật hay điều kiện tự nhiên, thời tiết, phong cách kiến trúc và trang trí nội thất Nhật Bản dần được các gia chủ Việt Nam ưa chuộng, quan tâm tìm hiểu cách ứng dụng.

Từ một số điểm tương đồng về tư tưởng Á Đông, ảnh hưởng của đạo Phật hay điều kiện tự nhiên, thời tiết, phong cách kiến trúc và trang trí nội thất Nhật Bản dần được các gia chủ Việt Nam ưa chuộng, quan tâm tìm hiểu cách ứng dụng.

Những nét đặc trưng trong một ngôi nhà Nhật và một vài cách để gia chủ Việt có thể tạo dấu ấn kiểu Nhật trong tổ ấm của mình là chủ đề của cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và kiến trúc sư Tsuchiya Shinsuke - trưởng văn phòng đại diện tập đoàn So Kikaku Sekkei (Nhật Bản) tại Hà Nội.

Tư tưởng thiết kế chủ đạo trong ngôi nhà Nhật là như thế nào, thưa ông?

Tư tưởng văn hóa và đời sống của người Nhật luôn chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Thiền tông. “Thiền” là việc bản thân con người tự tìm cách cứu rỗi linh hồn mình, dần làm tan biến những lo toan vướng bận để trong lòng đạt được chữ "Không" tĩnh tại, giữ cho bản thân nghĩ về những việc dung dị chứ không phức tạp hóa suy nghĩ.

Thủa ban đầu người Nhật tin vào thuyết duy linh, thờ tất cả mọi vật của tự nhiên. Chúng tôi biết ơn thiên nhiên với ánh sáng mặt trời, gió, mưa, nước, cây cối và đất đá xung quanh cuộc sống của mình vì ở Nhật thường xuyên xảy ra thiên tai, động đất, bão lốc, mưa to… Chúng tôi cần sự hòa hợp, tôn trọng tự nhiên, đồng hành với thiên nhiên trong hành trình sống của đời người.

Xuất phát từ tư tưởng ấy, đặc điểm tiêu biểu nhất của kiến trúc Nhật Bản chính là sự giao hòa với môi trường tự nhiên, nhà Nhật xưa thường ẩn mình giữa cây cối, thay vì chặt cây để tạo mặt bằng trống để xây dựng.

Vật liệu tự nhiên, mang tính địa phương, truyền thống được ưa dùng, đặc biệt là tre nứa, gỗ, giấy, sỏi đá… Vách ngăn trong nhà cũng chỉ mang tính phân chia ước lệ chứ không mang tính bảo vệ. Mối quan hệ giữa ngôi nhà và môi trường cụ thể nhất là vườn là khía cạnh quan trọng trong thiết kế truyền thống. Người Nhật không tách rời không gian nội thất với ngoại thất, vườn và nhà luôn mang tính liên tục.

Tư tưởng này luôn được gìn giữ và phát triển trong thiết kế hiện đại để hướng tới phong cách kiến trúc bền vững, thân thiện với môi trường.

Ông có thể chia sẻ với các gia chủ Việt một vài cách ứng dụng phong cách Nhật trong việc tổ chức không gian nhà ở?

Việt Nam cũng có mùa hè với cường độ ánh sáng chiếu mạnh, vì vậy có thể cân nhắc việc bố trí hướng phòng giống đặc điểm thiết kế nhà Nhật.

Cụ thể là, phòng khách và phòng ăn nên được bố trí ở phía Nam - hướng ánh sáng chiếu mạnh; phòng làm việc và phòng học được bố trí ở phía Bắc - hướng ánh sáng ổn định; phòng ngủ ở phía đông nơi hứng ánh sáng trong lành của buổi sớm và bếp ở phía tây nơi ánh sáng chứa nhiều tia cực tím vào lúc xế chiều.

Việc ngăn chia không gian nội thất có thể thực hiện ước lệ bằng những vách ngăn nhẹ, khả năng linh hoạt, cơ động cao mà người Nhật thường gọi là “Shoji”. Còn phân định giữa trong và ngoài nhà là hành lang với những mái hiên rộng “Hisashi” giúp ngăn ánh nắng vào mùa hè và đón nắng vào mùa đông. Kích thước của mái hiên cần được nghiên cứu, tính toán dựa trên góc chiếu, quỹ đạo của mặt trời vào từng mùa, tại mỗi địa phương cụ thể.

Để tạo sự thông gió tự nhiên, cửa thường đặt ở phía Nam, tính toán sự đối lưu để tạo bầu không khí luôn thoáng đãng, dễ chịu. Nhằm tận dụng gió - nguồn năng lượng tự nhiên - một cách hiệu quả, bạn có thể sử dụng cửa trượt xuyên sáng để tiết kiệm không gian và đem lại hiệu quả thẩm mĩ cao khi bản thân chúng cũng trở thành một bức tranh thiên nhiên sống động.

Phong cách tối giản cũng đang thu hút sự quan tâm của các gia chủ Việt, họ có thể vận dụng ra sao khi muốn kết hợp với nội thất kiểu Nhật, thưa ông?

Đặc trưng thiết kế nội thất kiểu Nhật dựa trên tiêu chí “càng ít càng tốt”, với sự kết hợp hài hòa về màu sắc và đường nét kiểu dáng đồ đạc đơn giản, trau chuốt, tinh tế. Nội thất được thiết kế chú trọng đến không gian và điểm nhấn của mảng trang trí. Có thể nói đó cũng là những nét tương đồng cơ bản với phong cách tối giản mà anh muốn đề cập tới.

Nội thất Nhật Bản thiên về sử dụng các tông màu trung tính, tự nhiên để tạo một phông nền đơn giản mà trên đó ta có thể cảm nhận được điểm nhấn từ các chi tiết kiến trúc hay đồ trang trí.

Bên cạnh đó, sắc màu tự nhiên làm giảm thiểu sự phức tạp vốn rất cần thiết trong việc tạo nên một phong cách Á Đông với những triết lý giản dị nhưng sâu sắc của nó về cuộc sống.

Trong ngôi nhà của người Nhật, sự gọn gàng và thoáng đãng là yếu tố vô cùng quan trọng, các căn phòng đều được bố trí một cách tối giản với không gian trống và rất ít đồ đạc. Để đạt được điều đó, trong bố trí nội thất người Nhật thường không sử dụng những đồ vật quá cao mà dùng những đồ vật thấp - chẳng hạn như bàn uống trà thấp để người sử dụng ngồi trên những tấm đệm cói được trải trên sàn nhà mà người Nhật gọi là “Tatami”.

Giữa không gian đơn giản về đường nét, chi tiết ấy ta cũng có thể tạo nên điểm nhấn bằng những hộc trang trí mà chúng tôi gọi là “Tokonoma”, với những cách sắp đặt theo chủ đề. Chẳng hạn như những cây bút thư pháp cắm trong ống, vài hòn sỏi bày trên đĩa..

Các góc trang trí kiểu Nhật cũng có thể thay đổi theo mùa hay những dịp lễ, tết; một góc “Tokonoma” có thể đặt bình hoa ikebana, hay chậu bonsai, một bức thư pháp và cũng có thể là bộ đồ uống trà.

(Tổng hợp)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu