Xu hướng thiết kế nội thất nhà ở theo phong cách hiện đại đang rất phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ. Phong cách này dễ được mọi người chấp nhận bởi sự hợp lý về công năng và thẩm mỹ.
Không gian chức năng liên thông
Trong thiết kế nội thất hiện đại, các không gian thường bố trí xen lẫn với nhau, không chỉ trong các căn hộ chung cư phòng khách và không gian phòng ăn không có sự ngăn cách mà cả với nhà phố diện tích hẹp hay biệt thự rộng lớn cũng có cách phân chia tương tự tạo thành một không gian liên hoàn, vừa thuận tiện trong sinh hoạt lại mở rộng tối đa diện tích ngôi nhà.
Thiết kế liên thông đã trở thành xu hướng đáp ứng nhu cầu tiện nghi hoá và tối đa hoá không gian chức năng của ngôi nhà. Sự phân chia không gian một cách vô hình qua sắp xếp đồ dùng cho phép các thành viên trong gia đình có thể giao tiếp và trò chuyện với nhau khi ở trong các phòng riêng biệt.
Một trong những mặt lợi của không gian liên thông là khả năng kết nối trực quan các khu vực, phô diễn tất cả những nét đẹp của trang trí và sắp xếp nội thất. Tất cả những đồ dùng trong các không gian mở đều “lộ thiên” nên việc lựa chọn và sắp xếp đồ dùng nội thất đảm bảo tính thẩm mỹ là một phần vô cùng quan trọng trong việc tạo nên vẻ đẹp và tính tiện nghi của ngôi nhà.
Hiện nay những không gian chủ yếu được thiết kế liên thông đa phần là nơi sinh hoạt mang tính chất tập trung như phòng khách và bếp ăn, phòng sinh hoạt chung và tiền sảnh. Đối với những nơi mang tính chất cá nhân như phòng ngủ hoặc phòng tắm có sự phân chia kín đáo nhằm đảm bảo sự riêng tư của người sử dụng.
Dùng vách ngăn nhẹ thay tường cố định
Đối với những ngôi nhà được thiết kế nhiều không gian mở mà gia đình vẫn muốn có sự rõ ràng trong việc phân chia chức năng sử dụng thì vách ngăn nhẹ được coi là một giải pháp tối ưu vừa ngăn cách không gian hiệu quả lại vẫn đảm bảo sự thông thoáng cần thiết cho ngôi nhà.
Những vách ngăn này thường được bố trí giữa phòng khách và phòng ăn hoặc phòng khách và cầu thang... Ngay cả giữa phòng ngủ và phòng làm việc liền kề vẫn có thể đặt vách ngăn đơn giản bằng một chiếc kệ trang trí. Cầu thang cũng không cần xây vách mà thay bằng vách ngăn gỗ vừa để trang trí, vừa không hạn chế tầm nhìn.
Về chất liệu thì khá đa dạng, vách ngăn có thể bằng gỗ, lam, kính hoặc nhựa….với nhiều hoa tiết bắt mắt. Cũng có thể tận dụng luôn đồ nội thất như tủ, kệ, tiểu cảnh…có sẵn trong nhà ở.
Phòng khách “mở”
Xu hướng thiết kế phòng khách mở đã và đang rất phổ biến, đặc biệt trong những gia đình trẻ yêu thích phong cách hiện đại. Phong cách này dễ được mọi người chấp nhận bởi sự hợp lý về công năng và thẩm mỹ.
Một điều dễ nhận thấy là phòng khách mở thường sử dụng vách kính lớn giúp không gian có phần rộng rãi và dễ trang trí hơn bởi KTS và gia chủ thường tìm những góc view đẹp mắt nhất trong ngôi nhà cho không gian này, đó là nơi giao hoà giữa trong và ngoài, giữa không gian sống với thiên nhiên thay cho những khối bê tông dày đặc như trước đây.
Đường nét phòng khách mở thường mang tính chất khỏe khoắn, tự do và phá cách thể hiện sự khoáng đạt và tâm hồn rộng mở. Màu sắc cho căn phòng thường là những gam màu nhẹ nhàng, sang trọng. Đôi khi là một vài điểm nhấn bằng màu nóng.
Khi bạn là chủ nhân của một phòng khách “mở” thì cũng đồng nghĩa với việc bạn sở hữu hoàn toàn ánh sáng “trời cho”, chính vì vậy để có thể chủ động điều chỉnh ánh sáng bạn nên lắp thêm rèm cho những ô cửa.
Nới rộng không gian bằng gác lửng
Gác lửng ngoài công năng là tăng thêm diện tích sinh hoạt, còn tạo nên các góc nhìn đẹp và giúp không gian trong nhà được chuyển tiếp, thông thoáng, tăng lưu lượng chuyển khí cho nội thất nhà bạn.
Chức năng sử dụng của tầng lửng khá đa dạng. Có thể xây lệch tầng và ở đó dùng làm nơi sinh hoạt chung hay phòng làm việc hoặc đưa phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, sinh hoạt chung….lên khu vực này. Nhờ vị trí độc đáo, tầng lửng có tầm view đẹp xuống không gian phía dưới. Ngoài ra, do sự thông suốt và tính chất mở của tầng lửng nên khi thiết kế và trang trí, bạn nên đảm bảo sự hài hòa với diện tích, không gian, nội thất của tầng lửng nói riêng và ngôi nhà nói chung.
Về màu sắc, nên sử dụng màu sắc cho tầng lửng hài hòa với nội thất của ngôi nhà. Những màu quá đối lập sẽ gây phản cảm, mất cân bằng trong tổng thể không gian, tạo cảm giác nặng nề. Muốn tạo điểm nhấn, gia chủ có thể dùng gam màu chuyển tiếp theo tông màu chung của tầng một nhưng thhông thường, các gia đình lựa chọn tông nhạt để tạo cảm giác nhẹ nhàng, thư thái.
Về nội thất, tuỳ theo chức năng sử dụng để có sự lựa chọn, bài trí hợp lý nhất. Nếu tầng lửng làm phòng khách có thể bài trí nội thất thấp sàn hoặc bệt sàn kiểu Nhật vì chiều cao của không gian này chỉ dao động từ 2,2 – 2,5m nếu bố trí nội thất cao sẽ bị mất cân đối. Tương tự, nếu tầng lửng được sử dụng cho phòng làm việc, phòng ngủ cũng nên bài trí đơn giản, chủ yếu là tạo được sự thông thoáng, rộng rãi.
Cầu thang dẫn lên gác lửng thường được bố trí ở vị trí góc nhà để không gian bên dưới rộng và thoáng hơn. Đồng thời, nên thiết kế cầu thang có kiểu dáng nhẹ nhàng, mềm mại, ít chi tiết với các chất liệu phù hợp với nội thất chung của ngôi nhà. Để gác lửng thông thoáng hơn, các vách ngăn trên không gian này nên được thiết kế thêm những mảng sáng hoặc sử dụng đèn hắt sáng loại nhỏ, hắt từ dưới lên tạo những điểm nhấn xinh xắn cho ngôi nhà.
Mai Hà