Theo báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB), năm 2005, có khoảng 1/4 dân số đô thị tại Việt Nam sống trong điều kiện nhà ở không đạt tiêu chuẩn.
Hiện nay, tại các đô thị tại Việt Nam đang diễn ra hai xu hướng chính là di dân từ nông thôn ra đô thị và chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Năm 2003, dân số thành thị gồm cả những người chưa được đăng ký cư trú là khoảng 23 triệu người. Trung bình, mỗi năm có thêm khoảng 1 triệu cư dân đô thị. Theo đó, đến năm 2020, dân số thành thị sẽ tăng gấp đôi. Hiện tại, theo tiêu chuẩn châu Á, mức đô thị hóa ở Việt Nam vẫn tương đối thấp. Năm 2001, dân số thành thị mới chiếm 25% so với 37% ở Trung Quốc và 42% ở Indonesia.
Trong quá trình đô thị hóa, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải. Theo báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB), năm 2005, có khoảng 1/4 dân số đô thị sống trong điều kiện nhà ở không đạt tiêu chuẩn, chỉ có khoảng 50% cư dân đô thị có nước máy dùng, dịch vụ giao thông hạn chế, các vấn đề sức khỏe nảy sinh do thiếu xử lý chất thải sinh hoạt... gia tăng xe máy và tắc nghẽn giao thông đô thị và làm gia tăng ô nhiễm không khí. Vấn đề trên sẽ càng trở nên trầm trọng khi ước tính đến năm 2010, tổng dân số đô thị của Việt Nam sẽ là 32 triệu người.
Theo điều phối viên hạ tầng của WB, số tiền mà Việt Nam cần huy động để cải thiện hạ tầng đô thị tới năm 2010 là khoảng 23,4 tỷ USD, trong đó 3,8 tỷ USD dành cho việc cung cấp nước sạch; 2,8 tỷ USD phục vụ việc thu gom và xử lý nước thải; 2,4 tỷ USD dùng để cải tạo hệ thống thoát nước; 6 tỷ USD nhằm nâng cấp giao thông đô thị và 8,4 tỷ USD đầu tư xây dựng nhà ở chi phí thấp.
(Theo QĐND)