Hà Nội có khoảng 77 công trình nhà ở 4-5 tầng đang trong tình trạng nguy hiểm nhưng việc cải tạo hay xây dựng vẫn rơi vào im lặng.
Chiều 19-5, 20 người dân sinh sống tại nhà 148 phố Sơn Tây (quận Ba Đình, Hà Nội) và láng giềng bị một phen hoảng hồn do căn nhà 100 năm tuổi bất ngờ sập nóc. Rất may vụ sập nhà này không có thiệt hại về người. Cũng ngay trong đêm 19-5, các hộ dân bị sập nhà đã có nơi ở tạm tại chung cư Vĩnh Phúc (Ba Đình) và Đại Kim (Hoàng Mai). Tuy nhiên, không chỉ có số hộ sống trong ngôi nhà này lo lắng mà hàng ngàn hộ dân khác đang sống trong gần 100 tòa nhà, ngôi nhà trên địa bàn thủ đô đang trong tình trạng lo ngay ngáy, vì mùa mưa bão đã đến mà nhà thì xuống cấp nghiêm trọng.
Kết quả điều tra sau đợt mưa ngập cuối năm 2008 cho thấy: Hà Nội có khoảng 77 công trình nhà ở 4-5 tầng đang trong tình trạng nguy hiểm, thuộc 23 khu tập thể lớn của Hà Nội. Con số này chưa bao gồm khu vực phía Tây Hà Nội. Các khu vực có chung cư nguy hiểm tập trung nhiều nhất là Thành Công, Giảng Võ (quận Ba Đình). Hầu hết các nhà này đang gặp nguy hiểm cấp C, D - mức cao nhất, có nguy cơ bị sập đổ khi gặp các lực xô ngang lớn do dông tố, lốc, động đất, mưa lũ...
Như trường hợp nhà B6 (Giảng Võ, Hà Nội), sau nhiều năm tồn tại trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, trải qua nhiều lần kiểm tra đánh giá của cơ quan chức năng địa phương, đến tháng 11-2006, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nhận định: “Nhà B6 là nhà nguy hiểm cấp D và để bảo đảm an toàn, chỉ còn một phương án là phá dỡ, xây dựng lại”. Đáng lo ngại là cho đến thời điểm này, sau nhiều năm khi có kết luận trên, tính mạng hàng chục hộ dân vẫn đang treo lơ lửng, vì việc đập bỏ tòa nhà và di dời người dân vẫn chưa thể thực hiện triệt để.
Điều đáng nói là không chờ đến thời điểm Hà Nội bị trận lũ lụt lịch sử mới phát hiện 77 công trình nguy hiểm trên mà từ nhiều năm trước, danh sách các tòa nhà “tử thần” đã xác lập nhưng việc cải tạo hay xây dựng lại vẫn rơi vào im lặng. Phải đến đợt lụt cuối năm 2008 tới nay, Hà Nội mới có 3 khu nhà nguy hiểm được đập bỏ xây lại, gồm C1 Thành Công và C7 Giảng Võ (Ba Đình) và I2 Nam Thành Công (Đống Đa). Không ít khu nhà được các đơn vị chức năng đánh giá là nhà nguy hiểm ở cấp độ cao nhất, phải di dời khẩn cấp nhưng một số ít hộ dân lại không ủng hộ. Do "tầng trên muốn đi, tầng dưới níu lại" nên tiến độ các dự án chỉ giậm chân tại chỗ.
Mặt khác, nhiều người dân sống ở nhà nguy hiểm muốn được tự chọn chủ đầu tư để cải tạo khu nhà do họ làm chủ.
(Theo KTĐT)