Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã thay mặt Chính phủ trình bày tóm tắt nội dung đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết, tổng kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung từ 2010 - 2050 tại đồ án xây dựng Thủ đô khoảng 90 tỷ USD. Nguồn vốn này được huy động chủ yếu từ quỹ đất, tài sản công thuộc sở hữu Nhà nước. Thu hút vốn từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật và kinh tế xã hội. Giai đoạn 2010 - 2020 sẽ huy động từ các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vốn ODA để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung (dự kiến gần 31 tỉ USD).
Theo nội dung đồ án, Hà Nội sẽ là một thủ đô với một đô thị trung tâm hạt nhân kết nối với 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh, Sóc Sơn và các thị trấn sinh thái mật độ thấp. Hành lang xanh chiếm 70% tổng diện tích đất tự nhiên, bao gồm toàn bộ khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, vùng đồi núi.
Trục Thăng Long được xác định là trục giao thông chính từ hồ Tây (Ba Đình) đến Ba Vì, đi qua chuỗi đô thị mới và một số công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử, giải trí tầm cỡ quốc gia và quốc tế, có đài Độc lập và hệ thống công viên cảnh quan... Kết thúc trục Thăng Long là khu đất dự trữ dưới chân núi Ba Vì dành để xây dựng trụ sở các bộ, ngành, cơ quan Chính phủ (gọi là Trung tâm hành chính quốc gia) sau năm 2050. Trung tâm chính trị quốc gia vẫn ở khu Ba Đình (trụ sở Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội).
Thủ đô Hà Nội cũng sẽ là một thành phố hiện đại với mạng lưới giao thông công cộng được phát triển mạnh, bao gồm hệ thống xe buýt nhanh, hệ thống 6 tuyến tàu điện ngầm/metro. Xây dựng mới 8 tuyến đường sắt đô thị, kéo dài kết nối với các đô thị vệ tinh. Từ đường vành đai 4 trở vào khu vực nội ô chủ yếu là hệ thống tàu điện ngầm.
Mục tiêu, quan điểm của đồ án là xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội trở thành thành phố xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại.
(Theo DĐDN)