Tiếp tục giữ phương thức quản lý cư trú bằng hộ khẩu, nhưng đơn giản hóa thủ tục và giao cho Chính phủ rà soát, bỏ những quy định lạm dụng hộ khẩu làm hạn chế quyền lợi công dân. Đó là những nội dung Luật Cư trú mà Quốc hội thông qua.
Hôm qua, dự án Luật Cư trú được thông qua với 83,13% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.
Nhập hộ khẩu thành phố: có chỗ ở hợp pháp 1 năm trở lên
Một vấn đề đáng quan tâm trong Luật Cư trú được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ 1/1/2007) là việc nới lỏng các điều kiện để đăng ký hộ khẩu thường trú. Luật chia thành hia trường hợp, đăng ký thường trú tại tỉnh và ở thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Còn ở thành phố, điều kiện để đăng ký thường trú là “có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ 1 năm trở lên”.
Chỗ ở hợp pháp, theo Luật Cư trú là “nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú”. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
Thủ tục đăng ký thường trú cũng được đơn giản hóa hơn. Cụ thể, hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm 3 loại giấy tờ gồm phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản khai nhân khẩu; giấy chuyển hộ khẩu; giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Rà soát, bãi bỏ những quy định lạm dụng hộ khẩu
Nhiều ý kiến tại Quốc hội đề nghị xem lại quy định nghiêm cấm hành vi lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân vì chưa làm rõ, cụ thể được các hành vi lạm dụng sổ hộ khẩu. Có ý kiến đề nghị cấm sử dụng hộ khẩu ngoài mục đích quản lý cư trú. Trên thực tế, có những trường hợp quy định về hộ khẩu bị sử dụng sai mục đích, làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Nhưng cũng có nhiều trường hợp phải căn cứ vào việc đăng ký thường trú (hộ khẩu) của công dân để thực hiện một số quyền khác như quyền bầu cử, ứng cử, thực hiện chế độ bảo hiểm, giao đất để sản xuất theo hộ... Do đó, không thể cấm sử dụng hộ khẩu ngoài mục đích quản lý cư trú.
Còn về hành vi lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân thì rất khác nhau, lại diễn ra ở các ngành, lĩnh vực nên khó có thể liệt kê hết. Vì vậy, luật đã bổ sung thêm nội dung: “Chính phủ chỉ đạo cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy định về hộ khẩu để tự mình hoặc kiến nghị, chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định lạm dụng hộ khẩu làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân”.
(Theo SGGP, Tiền Phong)