SearchNews

Bộ trưởng Xây dựng đề xuất giải pháp hỗ trợ bất động sản

21/03/2014 09:29

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng vừa đưa ra một loạt các giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản

Dừng không cấp phép mới dự án, quyết liệt rà soát phân loại dự án, cho điều chỉnh tạm thời mục đích sử dụng đất có thời hạn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói 30 nghìn tỷ đồng, ...là những giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản mà Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng vừa đưa ra.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, đầu năm 2014, thị trường bất động sản tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc, lượng giao dịch tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, giá nhà có dấu hiệu chững, lại không giảm liên tiếp như năm ngoái, thậm chí có dự án tăng giá nhẹ.

Có được kết quả này là do tác động của các chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho thị trường được các cơ quan triển khai mạnh trong thời gian vừa qua đã kích thích tới sự hồi phục của thị trường bất động sản, có tác động làm tan băng thị trường tại phân khúc nhà ở có mức giá trung bình, diện tích căn hộ nhỏ, hợp lý, phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại đa số người dân.

Các dự án nhà ở xã hội đã được người thu nhập thấp, cán bộ công nhân viên, những người làm công ăn lương ở các đô thị lớn chào đón nồng nhiệt, các dự án này đã góp phần biến giấc mơ về nhà ở của các đối tượng này thành hiện thực. Những chính sách gần đây của Nhà nước đối với nhà ở và thị trường bất động sản đã đạt được nhiều mục tiêu như: giảm hàng tồn kho bất động sản, thực hiện được mục tiêu của Chiến lược về nhà ở, từng bước khắc phục lệch pha cung - cầu, định thị trường, góp phần khôi phục kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Trong thời gian tới, để hỗ trợ thị trường, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng kiến nghị Chính phủ, yêu cầu các địa phương không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014. Trường hợp đặc biệt, các địa phương phải thống nhất với Bộ Xây dựng và báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Chính phủ sớm xem xét cho phép các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới đã qua phân loại được đưa vào diện tiếp tục triển khai mà chủ đầu tư hiện đang nợ tiền sử dụng đất, chưa thực hiện kinh doanh (chưa bán hoặc chưa huy động vốn) nhưng giá thị trường hiện tại thấp hơn suất đầu tư (bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng, chi phí đầu tư công trình, tiền sử dụng đất) thì được phép tính lại tiền sử dụng đất phải nộp theo mặt bằng giá thị trường hiện nay và không phải nộp phạt do chậm nộp tiền sử dụng đất.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh một số quy định có liên quan đến gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng. Theo đó, kéo dài thời hạn trả nợ từ 10 năm lên 15 năm (đối với khách hàng là cá nhân); Mở rộng đối tượng vay để mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá); Mở rộng cho vay đối với các hộ dân ở vùng thường xuyên xảy ra bão lũ thuộc các tỉnh duyên hải, miền Trung đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở (chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng xuống cấp hư hỏng), được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở với lãi suất 4%;

Mở rộng cho vay đối với các hộ dân ở đô thị; cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở. Mở rộng cho vay đối với các hợp đồng mua nhà ở xã hội đã ký trước 7/1/2013 mà chưa thanh toán hết tiền mua nhà (đối với khoản tiền chưa nộp theo tiến độ); Ngoài 5 ngân hàng thương mại nhà nước, bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, được phép tổ chức triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ.

Theo VnMedia

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu