Thông tin này được ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Quản lý Nhà và thị trường BĐS (thuộc Bộ Xây dựng) cho biết trong buổi họp báo thường kỳ quý II của Bộ Xây dựng ngày 27/7 vừa qua.
Ông Ninh cho biết, trong 6 tháng cuối năm, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành các đề án quan trọng đối với thị trường BĐS, gồm: “Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh”; “An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS đảm bảo an sinh xã hội”; “Quản lý, phát triển quỹ nhà ở công vụ của Chính phủ giai đoạn 2018 - 2021”.
Trong đó có rất nhiều vấn đề của thị trường như đầu tư nước ngoài vào thị trường địa ốc, người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, bong bóng BĐS, tín dụng, quản lý vận hành nhà chung cư, tranh chấp chung cư…
|
Nhiều vụ việc tranh chấp chung cư liên tục xảy ra tại Hà Nội trong thời gian qua. |
Theo dự kiến, những đề án này sẽ được Bộ Xây dựng trình Chính phủ trong tháng 12. Theo ông Ninh, lĩnh vực nhà, thị trường BĐS cũng giống như các lính vực kinh tế khác, đều có các đề án an ninh.
Cũng trong cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, trong quý II, Bộ Xây dựng đã trình và được Chính phủ ban hành Nghị định về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý của cơ quan này. Theo đó, có 85% điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm và đơn giản hóa.
|
Bộ Xây dựng sẽ có phương án giải quyết tranh chấp chung cư. |
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã trình và được Thủ tướng ban hành chỉ thị về tăng cường các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan. Theo đó, các thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng sẽ được thực hiện lồng ghép hoặc song song với nhau. Dự kiến đến cuối năm 2018, thời gian cấp phép xây dựng có thể giảm từ 166 ngày xuống còn 119 ngày.
Gần đây, Bộ Xây dựng đã thí điểm thành lập Bộ phận một cửa, một cửa liên thông đối với 22 trong tổng số 33 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng Xây dựng. Những thủ tục hành chính còn lại vẫn được ủy quyền cho Cục Giám định và Cục Quản lý hoạt động xây dựng giải quyết.