Ngày càng nhiều các khu chung cư ở Hà Nội phải đối mặt với các sự cố lở vữa tường, trần… "Những cái bẫy lơ lửng trên đầu" luôn đe dọa an toàn của người dân. Ban quản lý chỉ… đợi sự cố để xử lý còn người dân phải tìm cách tự bảo vệ.
Ngày 13/10, anh Đặng Đức Thuận (phòng 210, Nơ 9B, Linh Đàm, Hà Nội) đang làm việc bên máy tính thì thấy trần nhà rung nhẹ. Một mảng vữa lớn trên trần đã rơi thẳng xuống chỗ anh ngồi. “Cố hết sức chạy ra phía ngoài nhưng tôi vẫn bị một mảng vữa rơi vào người. Đầu, tay, lưng đều bị chảy máu. Cũng may vợ tôi đang mang thai ngồi ở phòng ngoài", anh Thuận kể lại. Hiện toàn bộ trần căn phòng làm việc của anh chỉ còn trơ lớp bê tông gồ ghề. Chiếc máy tính xách tay đang làm việc tắt ngúm, CPU máy bàn vỡ tung…
Trước đó anh Thuận cho biết căn hộ không có dấu hiệu xuống cấp mà chỉ thấy xuất hiện những vết nứt nhỏ. Sau sự cố, anh đã đề nghị ban quản lý dự án xem xét tất cả trần trong căn hộ của anh và chọc đến đâu, vữa trần sụp đến đó. Sự cố trên khiến mọi sinh hoạt trong gia đình đảo lộn. "Suốt một tuần nay, tôi luôn phải sáng khiêng đồ đạc ra, tối dọn đồ vào để chỉnh sửa, dọn dẹp lại căn nhà", anh Thuận cho biết.
80 hộ dân khu nhà Nơ 9B Linh Đàm cũng đang ở trong tình trạng nơm nớp lo sợ vì trần nhà có thể sập bất cứ lúc nào. Căn nhà của gia đình bác Nguyễn Thượng Hà (tổ phó tổ 33 khu dân cư 22, Nơ 9B) cũng loang lổ những vết nứt kéo dài vài mét từ phòng khách tới tận phòng ngủ. "Con gái tôi phải về tận Lĩnh Nam để ở, căn phòng này chỉ dám để nhà kho bởi trần nhà có thể bị sụp xuống bất cứ lúc nào", bác Hà kể. Theo lời bác Hà thì 4 năm, Ban quản lý khu đô thị có cho người sơn lại bên ngoài, còn lại bên trong thì "của nhà ai người đấy lo", người dân phải tự sửa chữa hỏng hóc.
Trao đổi với Dothi, ông Tạ Dũng, Phó Ban quản lý dự án khu vực 2 thuộc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD), chủ đầu tư Nơ 9B, cho biết: "Công trình thi công từ năm 2000 nên hiện phải chịu hao mòn. Ngoài ra, công nghệ lúc đó bị hạn chế nên độ bám dính không đảm bảo dẫn đến bề mặt trần không đều, chỗ lồi, chỗ lõm". Theo ông Dũng, sự cố xảy ra cũng là điều không thể tránh khỏi vì thi công hàng nghìn công trình nên sẽ có sai sót. "Khi có sự cố, điều quan trọng là rút ra cách khắc phục và bài học để giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc xảy ra". Ông Dũng cũng cho biết sắp tới Ban quản lý sẽ rà soát hàng loạt các khu chung cư tại khu Linh Đàm để đảm bảo an toàn cho tất cả người dân. Ban quản lý khu đô thị cũng đã đến làm việc với gia đình anh Thuận, hỗ trợ anh 1 triệu tiền thuốc men và đền bù chiếc máy tính bị hỏng, đồng thời đang tiến hành giải quyết sự cố bằng cách đổ lại trần thạch cao.
Những sự cố tương tự cũng đã xảy ra như cơm bữa tại rất nhiều khu chung cư ở Hà Nội, từ các nhà tái định cư rẻ tiền cho tới những căn hộ tiền tỷ như ở Trung Hòa – Nhân Chính. Chưa có sự cố nào gây thiệt hại về người, nhưng tài sản thì cũng đã ảnh hưởng không nhỏ. Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, khẳng định, chẳng phải do công nghệ hạn chế mà hầu hết những sự cố này đều do khâu giám sát và thi công không cẩn thận. Khi đổ bê tông sàn giữa các tầng, thợ làm cốp pha đã không để ý nên dẫn đến hiện tượng trần không bằng phẳng. Vì bị lồi lõm nên khi hoàn thiện, thợ sẽ phải bù vênh bằng cách trát dày, có khi lên đến 6 - 7 cm trong khi theo nguyên tắc lớp vữa chỉ nên có độ dày từ 2 đến 3 cm. Ngoài ra, tỷ lệ xi măng trong vữa ít, không có độ bám dính khiến mảng vữa nặng lâu ngày sẽ dễ rơi. Hầu hết hiện nay, người thi công, giám sát... chỉ quan tâm đến chất lượng "bề nổi", làm sao để khu nhà không sập, không lún mà chẳng mấy khi để tâm đến chuyện thấm, dột hay bong tróc trần, tường…
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Liêm, việc trát lại trần chỉ là tạm thời. Cách hiệu quả và nhanh nhất là làm trần giả (nhựa hoặc thạch cao...). Trong trường hợp không có lựa chọn khác buộc phải trát vữa, trần phải được xử lý công phu, sử dụng lớp thép nhỏ để gắn lại, đỡ lớp vữa trần, và cần kỹ sư có chuyên môn kiểm tra hiện trường. Với những căn nhà chưa xảy ra hiện tượng bong tróc, nên dùng gậy chọc khắp trần. "Nếu nghe thấy tiếng "bộp bộp" nghĩa là nơi đó có nguy cơ bị bong trần vì lớp vữa không bám dính. Cần chủ động chọc toàn bộ những khu vực đó để có cách xử lý kịp thời, đề phòng tình huống nguy hiểm có thể xảy ra, gây ảnh hưởng tới tính mạng", ông Liêm khuyên.
Hoàng Lan - Linh Hương