Sắp có hướng dẫn mới về việc quy định giải ngân gói 30.000 tỷ.
Cuối tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 61/2014 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Trong đó sửa đổi thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân vay vốn tối đa là 15 năm, thay vì 10 năm khi vay vốn để mua, thuê mua nhà ở thương mại tại các dự án trên địa bàn. Cùng với đó, Chính phủ cũng quyết định mở rộng thêm một số đối tượng được vay gói 30.000 tỷ khi mua, thuê hoặc sửa chữa nhà ở.
Sau hơn 1 năm thực hiện việc giải ngân gói 30.000 tỷ, đến nay số lượng hộ gia đình tại Hà Nội được vay vốn từ gói này chiếm 1/2 cả nước.
Theo đó, tính đến 31/8 đã có 7.233 hộ được vay vốn để sửa chữa, mua và xây mới nhà ở từ gói 30.000 tỷ, trong đó riêng Hà Nội đã chiếm đến 3.938 hộ, chiếm hơn nửa cả nước.
Riêng các doanh nghiệp được vay 4.121 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp tại Hà Nội vay 1.475 tỷ.
Thực tế trên cho thấy các dự án bất động sản tại Hà Nội có được thanh khoản khá tốt, tình hình thị trường bất động sản, nhà ở phân khúc trung bình đang có dấu hiệu tích cực, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định.
Trong khi đó, theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, việc triển khai gói 30.000 tỷ trên địa bàn vẫn còn chậm, chưa thực sự hiệu quả. Theo phản ánh của doanh nghiệp, người dân thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là chưa đáp ứng điều kiện thế chấp khi vay vì bản thân các đối tượng này đang khó khăn về tài chính, người dân thu nhập thấp và khó khăn về nhà ở.
Do vậy, UBND thành phố cho rằng cần đơn giản hoá thu tục cho vay, đặc biệt là thủ tục đối với các đối tượng thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân, học sinh, sinh viên.
Trước những ý kiến kiến nghị về việc giải ngân gói 30.000 tỷ, Thứ trưởng Bộ xây dựng cho hay: “Tôi đã làm việc với Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến và sẽ sớm có hướng dẫn mới về gói 30.000 tỷ để công tác giải ngân được nhanh hơn”.