SearchNews

Cân nhắc kỹ việc chuyển trung tâm hành chính quốc gia

03/04/2010 08:56

Theo các chuyên gia Hội Môi trường xây dựng VN, ngoài những bất lợi về mặt an ninh quốc phòng, việc chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Hòa Lạc - chân núi Ba Vì, sau năm 2030 sẽ gây ra xáo trộn hệ thống GT, thị trường BĐS, cuộc sống của hàng vạn người và sẽ dẫn đến chi phí vận hành của Thủ đô Hà Nội lớn hơn nhiều so với hiện nay.

Theo các chuyên gia Hội Môi trường xây dựng VN, ngoài những bất lợi về mặt an ninh quốc phòng, việc chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Hòa Lạc - chân núi Ba Vì, sau năm 2030 sẽ gây ra xáo trộn hệ thống GT, thị trường BĐS, cuộc sống của hàng vạn người và sẽ dẫn đến chi phí vận hành của Thủ đô Hà Nội lớn hơn nhiều so với hiện nay.

Mới đây, ngày 31/3, 31 chuyên gia là hội viên của Hội Môi trường xây dựng Việt Nam đã gửi một bản nhận xét về "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050" tới Thủ tướng Chính phủ và các Bộ liên quan xây dựng quy hoạch này. Nhận xét của các chuyên gia chủ yếu tập trung chỉ ra các thiếu sót, tồn tại của đề án, như đánh giá việc chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Hòa Lạc - chân núi Ba Vì là thiếu coi trọng giá trị nghìn năm lịch sử Thăng Long - Hà Nội, cũng như Quy hoạch thành phố hai bên bờ sông Hồng là mạo hiểm và nhiều rủi ro…

Thiếu coi trọng lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam nhận xét, một số phương án quy hoạch đưa ra chưa đáp ứng được yêu cầu như các chiến lược này đã vạch ra.

Trong bản nhận xét, 31 chuyên gia đã đồng nhất quan điểm cho rằng, việc chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Hòa Lạc - chân núi Ba Vì là thiếu coi trọng giá trị nghìn năm lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Theo các chuyên gia, trung tâm hành chính quốc gia là hạt nhân quan trọng nhất của một Thủ đô. Chuyển trung tâm hành chính quốc gia (trụ sở Chính phủ, các Bộ, ngành, các sứ quán, trung tâm hội họp quốc gia và quốc tế, kéo theo sẽ là các trung tâm khác như văn hóa, dịch vụ, khách sạn, thương mại, tài chính v.v...) lên Hòa Lạc - chân núi Ba Vì, là không phù hợp với nghìn năm lịch sử của Thủ đô Thăng Long - Hà Nội, là thiếu coi trọng Chiếu dời đô của Hoàng đế Lý Công Uẩn.

Chiếu dời đô của Hoàng đế Lý Công Uẩn thực chất là chiếu dời trụ sở bộ máy đầu não điều hành hành chính của quốc gia (nay ta gọi là trung tâm hành chính quốc gia) từ Hoa Lư ra mảnh đất thiêng Hoàng thành Thăng Long, chứ không phải là di chuyển cả đô thành Hoa Lư ra Thăng Long. Nay quy hoạch chuyển trung tâm hành chính quốc gia từ Hà Nội lên Hòa Lạc - chân núi Ba Vì, xét cho cùng, thì cũng chẳng khác nào là sự dời đô lần thứ 2.

"Đúng ra là phải mở rộng trung tâm hành chính quốc gia ở ngay Hà Nội, tại khu đất phía Tây Nam Hồ Tây, đất rất đẹp, điều kiện địa chất - thủy văn rất tốt, như là quy hoạch Hà Nội trước đây đã lựa chọn" - các chuyên gia nhận định.

Thêm nữa, xét về mặt an ninh quốc phòng, quy hoạch tập trung các cơ quan đầu não Quốc gia vào một địa điểm hẹp là điều rất bất lợi về mặt an ninh quốc phòng, các hậu quả bất an ninh chưa thể lường hết được. Đồng thời, chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Hòa Lạc - chân núi Ba Vì là chuyển dịch trọng tâm Thủ đô lên phía Tây, làm sai lệch Thủ đô Hà Nội là trung tâm của "Hai hành lang, một vành đai kinh tế" quốc gia và quốc tế, quá xa với trục phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc "Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh" và định hướng phát triển kinh tế của thời đại là "Hướng ra biển".

Ngoài ra, theo các chuyên gia, chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Hòa Lạc - chân núi Ba Vì, sau năm 2030 sẽ gây ra sự xáo trộn hệ thống giao thông, thị trường bất động sản, cuộc sống của hàng vạn người và sẽ dẫn đến chi phí vận hành (chi phí hoạt động) của Thủ đô Hà Nội là lớn hơn nhiều so với giữ nguyên trung tâm hành chính quốc gia ở Hà Nội hiện nay.

Quy hoạch thành phố hai bên bờ sông Hồng trái với định hướng giảm dần dân số nội thành

Các chuyên gia cũng lưu ý, trong thời kỳ biến đổi khí hậu (BĐKH), chúng ta chưa thể lường hết được hậu quả của biến đổi các điều kiện khí hậu - thuỷ văn của lưu vực sông Hồng, dù đã có các đập thuỷ điện ở phía đầu nguồn, các thiên tai lũ lụt cực đoan, bất thường xảy ra, đặc biệt là điều kiện địa chất của sông Hồng liên quan đến vết đứt gẫy sâu của sông Hồng với chiều dài 1.500km từ Vân Nam, Trung Quốc, tới Vịnh Bắc Bộ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc chống xói lở, chỉnh trị dòng sông Hồng sẽ vô cùng tốn kém. Với trình độ kỹ thuật và điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay, thì chưa thể làm được ngay.

Quan trọng hơn là việc phố hoá hai bờ sông Hồng sẽ làm tăng số lượng dân cư của nội thành Hà Nội, trái với định hướng giảm dần dân số nội thành.

"Tất cả các điều kiện kể trên chưa được xem xét cẩn thận trong Đồ án. Vì vậy chúng tôi kiến nghị nên giữ theo phương án Quy hoạch Hà Nội trước đây do chuyên gia Liên Xô giúp đỡ, là quy hoạch dải đất ven sông Hồng thành thảm cây xanh, xây dựng các công viên vui chơi, giải trí, các công trình du lịch nhỏ, xinh đẹp và nâng cấp giao thông đường thuỷ, nhưng không gây ra cản trở thoát lũ lụt cực hạn", 31 chuyên gia kiến nghị.

(Theo CAND)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu