Cơn chấn động cấp 3-4 lúc khoảng 16h chiều 16/5, kéo theo hiện tượng rung lắc tại các cao ốc nằm rải rác trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy, huyện Từ Liêm..., song không nguy hiểm tới tính mạng con người.
Viện Vật lý địa cầu xác nhận Hà Nội đã xảy ra cơn chấn động cấp 3-4. Theo cơ quan này, cơn chấn động diễn ra do ảnh hưởng của trận động đất mạnh 6,1 độ richter, chấn động mạnh cấp 8 tại khu vực phía Bắc Lào. "Với chấn động cấp độ 3-4, các nhà cao tầng sẽ bị rung chuyển nhẹ, tuy nhiên không thể phá hủy nhà cửa. Những người ở tầng thấp sẽ không cảm nhận được chấn động", ông Nguyễn Văn Yên, cán bộ Viện Vật lý địa cầu xác nhận với báo chí.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, Giám đốc Văn phòng kiến trúc 1 của Tổng công ty Tư vấn Xây dựng VN (VNCC) - Bộ Xây dựng, khẳng định, mức độ chấn động như vừa xảy ra chưa thể gây nguy hiểm đến các tòa nhà trên địa bàn thành phố. Tất cả các tòa nhà cao tầng hiện tại ở Hà Nội đều được thiết kế để chịu được động đất 7 độ Richter. VNCC từng thiết kế tòa tháp đôi Vincom và các chung cư 25 Láng Hạ, 27 Huỳnh Thúc Kháng.
Trao đổi với Đô Thị, ông Trần Chủng, Cục trưởng Cục giám định Nhà nước (Bộ Xây dựng) cho biết theo tiêu chuẩn Việt Nam, tất cả các tòa nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) đều phải nghiên cứu thiết kế để chịu được động đất 7 độ, một số nơi là 8 độ Richter, ngoài ra còn phải có hệ số dự trữ an toàn nhất định. "Thiết kế tòa nhà muốn được thông qua phải đảm bảo tiêu chuẩn này. Cơ quan chuyên môn chỉ cần đọc bản vẽ kiến trúc và kết cấu là có thể biết ngay tòa nhà đó được thiết kế để chịu đựng rung chấn đến mức độ nào". Lý giải về tiêu chuẩn cấp 7, ông Chủng cho biết, con số này được căn cứ theo bản đồ địa chấn của Viện Vật lý địa cầu.
Từ lúc 16h hôm nay, toàn bộ nhân viên làm việc trong tòa nhà Vietcombank (đường Trần Quang Khải) được yêu cầu sơ tán khẩn cấp, sau khi có hiện tượng các đồ vật trong phòng đồng loạt rung chuyển.
Lúc 16h15, bà Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thẻ (Vietcombank), đang phải sơ tán ở bên ngoài trụ sở, cho biết: "Từ lúc gần 16h, tòa nhà đã báo động yêu cầu tất cả mọi người phải sơ tán khẩn cấp, hơn 30 phút sau vẫn chưa có thông báo về việc đã được quay trở lại hay chưa".
Bà Tú Anh kể lại trước khi có báo động, mọi người trong phòng cùng nhận thấy đồ vật bị rung chuyển, rõ nhất là màn hình máy tính. Riêng Vietcombank, chỉ những cán bộ có trách nhiệm bảo quản hiện vật, tài sản mới phải lưu lại để làm thủ tục lưu kho, tất cả những người khác đều ngay lập tức rời trụ sở bằng cả thang bộ lẫn thang máy.
Hiện tượng này cũng xảy ra ở hàng loạt các cao ốc khác ở Hà Nội như tháp đôi Vincom (Bà Triệu), tòa nhà Bộ Tài chính (Trần Hưng Đạo), Melia (Lý Thường Kiệt), Hòa Bình Towers (Hoàng Quốc Việt), Tungshing (Ngô Quyền) và các tòa nhà nằm trên đường Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh... Những người ở trên tầng cao cảm nhận rõ nét nhất sự rung lắc.
Một nhân viên truyền thông của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN ở tầng 19 tòa tháp Vincom cũng xác nhận hiện tượng tương tự ở nơi làm việc của mình. Anh cho biết, sự rung lắc kéo dài khoảng 10 đến 15 giây, mọi người trong phòng đều bị choáng, và nhìn thấy cửa kính trong phòng rung khác thường. Tòa nhà chưa có thông báo về việc sơ tán, song rất nhiều người hoảng sợ đã tháo chạy xuống đường. Hiện tại, ở khu vực quanh tòa tháp người dân đổ xuống phố để theo dõi hiện tượng này...
Tại tòa nhà Trung tâm Thương mại Quốc tế (số 9 Đào Duy Anh), vào lúc gần 16h, mọi người đang làm việc trong phòng thấy lắc lư, chao đảo, máy lọc nước cũng rung đến mức gần đổ xuống. Ở trên tầng 5, hiện tượng rung chấn rõ nhất, người đang ngồitrên ghế nếu đứng dậy không cẩn thận có thể ngã. Ngay sau khi thấy hiện tượng đó, rất nhiều người trong tòa nhà đổ xô xuống đường để nghe ngóng xem tình hình, nhưng không thấy hiện tượng đó lặp lại lần thứ hai. Hiện tượng này chỉ diễn ra trong vòng 10-15 giây và chấm dứt khi mọi người đã định thần trở lại nên không diễn ra cảnh hoảng loạn. Vì cơn chấn động xảy ra vào lúc gần hết giờ hành chính nên một số người tranh thủ về luôn. Số khác theo dõi tin tức thấy động đất xảy ra ở Lào, ở Việt Nam chỉ bị ảnh hưởng nên vẫn yên tâm ở lại làm việc.
Ông Chủng cũng đã được thông báo một số tòa nhà cao tầng ở Trung Hòa Nhân Chính và Ciputra có hiện tượng rung lắc, song tất cả đều an toàn. Từ trước tới giờ, người ta còn nhớ vào năm 1983, ở Hà Nội có trận động đất mạnh nhất cũng chỉ hơn 4 độ, các biểu hiện rung lắc rõ nét hơn đợt này.
Nhóm phóng viên