Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) đang được Bộ Xây dựng gấp rút hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua. Dự án Luật này được đánh giá là đồ sộ với diện tác động rộng lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành.
Trong rất nhiều vấn đề lớn mà luật đề cập, việc thống nhất quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng thông qua cấp phép xây dựng (CPXD) đang là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm bởi những quy định này tác động rất lớn đến cuộc sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức.
Giảm đối tượng được miễn cấp phép
Theo đánh giá của cơ quan soạn thảo, nội dung CPXD theo quy định hiện hành còn sơ sài và nặng về thủ tục. Những vấn đề về thiết kế đô thị, cảnh quan, quy hoạch chi tiết cần được xem xét khi cấp phép còn phụ thuộc vào cảm tính của người có trách nhiệm giải quyết thủ tục cấp phép. Hồ sơ xin cấp giấy phép chưa đủ các thông tin cần thiết làm cơ sở để cơ quan quản lý xem xét CPXD dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian CPXD. Do vậy, việc đổi mới các quy định về CPXD được gắn với điều kiện khởi công xây dựng công trình, minh bạch về quy trình và đơn giản hóa các thủ tục.
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác CPXD, Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) đã dành một chương quy định về CPXD. Ngoài những nội dung kế thừa từ quy định của Luật Xây dựng năm 2003, nội dung về giấy phép xây dựng của Dự án Luật quy định đối tượng (Điều 77) là tất cả các công trình đều phải xin cấp GPXD trước khi khởi công kể cả các công trình thuộc dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (theo quy định hiện hành thì được miễn CPXD).
Dự án cũng bổ sung quy định về CPXD theo giai đoạn đối với công trình có quy mô lớn và đối với trường hợp dự án gồm nhiều công trình xây dựng nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư sớm triển khai xây dựng công trình. Tại Điều 87 của Dự án Luật cũng đã xác định rõ trách nhiệm cơ quan CPXD. Theo đó, người có thẩm quyền CPXD phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do việc cấp giấy phép sai hoặc chậm theo quy định.
Cấp phép tạm cần "rõ" hơn
Quy định về CPXD tạm là một chủ trương đúng đắn đã được quy định trong Luật Xây dựng 2003 nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, hộ gia đình xây dựng công trình để kinh doanh hoặc cải thiện về nhà ở trong thời gian Nhà nước chưa thực hiện quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, qua thực tế, việc CPXD tạm vẫn còn nhiều khó khăn, lúng túng gây ra những bức xúc cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Để khắc phục tình trạng này, Dự án Luật đã quy định điều kiện CPXD tạm (Điều 80).
Trên cơ sở thẩm định Dự án Luật Xây dựng sửa đổi, Bộ Tư pháp cho rằng, cần làm rõ đây là giấy phép xây dựng được cấp cho các công trình xây dựng có tính chất tạm thời, chưa ổn định. Đối với các công trình này, cũng cần cân nhắc để xác định chính xác loại nào thì cần phải có giấy phép xây dựng. Theo quy định tại Khoản 5, Điều 75 Dự án Luật thì "Chủ đầu tư phải có cam kết tự phá dỡ công trình khi thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng tạm hết hạn. Trường hợp không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế phá dỡ và chủ đầu tư phải chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ công trình". Theo Bộ Tư pháp, quy định này chưa tính đến những trường hợp quy hoạch treo. Do đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong vùng quy hoạch đã công bố nhưng chưa thực hiện, Bộ Tư pháp đề nghị sửa điều khoản này theo hướng chủ đầu tư được bồi thường công trình khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch trước thời hạn quy định trong giấy phép xây dựng tạm.
Ngày 27/9, Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức hội thảo về Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, Dự thảo Luật đã được cơ quan soạn thảo sửa đến lần thứ 34 và còn tiếp tục tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện, chỉnh sửa trước khi trình Quốc hội thông qua.
|
Theo KTĐT