SearchNews

Cấp tốc xây nhà “ăn” tiền đền bù

25/04/2011 08:14

Hàng trăm ngôi nhà, bức tường tạm bợ đang đua nhau mọc lên như nấm tại 2 thôn Vĩnh Sơn và 19-5, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, để mong được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng.

Hàng trăm ngôi nhà, bức tường tạm bợ đang đua nhau mọc lên như nấm tại 2 thôn Vĩnh Sơn và 19-5, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, để mong được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng.

Xây ồ ạt

Sự việc bắt đầu từ khi có các quyết định công bố quy hoạch chi tiết Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch cũng như các thông tin đền bù và diễn ra ồ ạt từ đầu tháng 4 đến nay. Ngày 22.4, thời điểm áp giá đền bù cận kề, song song với việc các đoàn cán bộ đi đo đạc, kiểm kê thì người dân thôn Vĩnh Sơn cũng ra sức xây dựng những công trình tạm bợ.

Đi từ đầu đến cuối thôn, có cảm giác như đó là một đại công trường với cảnh công nhân nhộn nhịp làm việc. Dọc hai bên con đường đất đỏ, từng toán thợ miệt mài trộn hồ, xây nhà trên những mảnh vườn lổn nhổn cỏ dại. Người ta không đắp nền, không san mặt bằng và dĩ nhiên không đào móng. Hễ khoảnh đất nào còn trống là được nhét vào đó cái nhà, dù xung quanh bụi bờ cây cối um tùm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc xây dựng những ngôi nhà ấy có giá nhân công cao gấp đôi khi xây những ngôi nhà để ở đúng nghĩa. Một người dân trong vùng giải thích rằng xây nhà ở thì lâu, với lại vùng này nghèo khó nên nhu cầu ít, vậy nên giá thấp; trong khi ai cũng đang đua nhau xây nhà chờ đền bù, mà theo đồn đoán thì lợi nhuận cao nên mọi người sẵn sàng móc hầu bao cho thợ.

Người nào có đất nhưng không có tiền thì cho thuê đất theo thỏa thuận ngầm: một bên bỏ tiền xây, một bên nhận tiền đền bù rồi chia nhau. Điển hình là ông T.X ở gần vị trí san lấp mặt bằng nhà máy. Hiện nhà ông không có đường vào vì đã bị nhà “đền bù” bít hết. Quan sát thấy khu vườn của ông X., thấy có khoảng 10 ngôi nhà lô cốt dựng sát rạt nhau. Có thông tin mỗi ngôi ông X. sẽ được 20 triệu đồng (?). Chúng tôi đánh tiếng hỏi một người thợ đang đẩy xe rùa về chuyện thuê đất, anh này nói: “Còn đâu nữa, hết đất rồi”.

Nguy hiểm rình rập

Những ngôi nhà cất vội đều giống nhau theo hình thù “hộp diêm”, hộp càng to và chiếm nhiều diện tích càng tốt. Quanh hộp có vài lỗ hình chữ nhật gọi là cửa ra vào hay cửa sổ. Nhà nào chịu khó đầu tư tí thì thêm phần tô trát vữa bên ngoài, còn không để tường thô. Nguy hiểm ở chỗ, những công trình này không có trụ, không sắt thép, nền móng sơ sài và được xây với tỷ lệ giữa xi măng và cát rất thấp nên có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Vậy nên tốc độ hoàn thành một cái nhà có lẽ vô địch với thời gian: 2 ngày. Cũng vì vậy mới có chuyện đám thợ xây xong không dám bước vào, còn chủ nhân của nó thì tuyệt nhiên không bén mảng.

Ngạc nhiên nữa, những mảnh vườn, khoảnh đất hoang hóa trước đây không hề được rào chắn giờ cũng được người dân Vĩnh Sơn “chu đáo” bỏ tiền thuê người xây bao lại. Trong khi đây là vùng đất bạc màu, ruộng ít, không có nghề phụ nên đời sống kinh tế khó khăn. Theo số liệu từ UBND xã Quảng Đông, số hộ nghèo là 22,7%, tương đương 292 hộ, và Vĩnh Sơn có tỷ lệ hộ nghèo nhiều nhất xã. Để có tiền xây dựng, nhiều người đã đi vay mượn, cầm cố...

Tình trạng trên cũng xảy ra tương tự trước đó tại thôn 19-5. Thôn này được chọn làm nơi tái định cư cho các hộ bị giải tỏa ở Vĩnh Sơn. Làm việc với PV Thanh Niên, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Đông Võ Viết Vầy cho biết: “Theo số liệu thống kê thì thôn 19-5 có 18 hộ, Vĩnh Sơn có 50 hộ vi phạm. Chúng tôi đã lập biên bản đình chỉ, xử phạt hành chính 300.000 - 500.000 đồng/hộ, buộc tháo dỡ trả lại mặt bằng nhưng sự chấp nhận còn thấp. Những trường hợp vi phạm không được đền bù mà sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ”. Thông tin này cũng được lãnh đạo UBND huyện Quảng Trạch khẳng định.

(Theo Thanh Niên)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu