SearchNews

Chạy đua nâng cấp đô thị

04/09/2010 14:21

Thị tứ muốn lên thị trấn, thị trấn muốn lên thị xã, thị xã muốn lên thành phố, thành phố trực thuộc tỉnh muốn lên thành phố trực thuộc Trung ương... Đó phải chăng là con đường phát triển của các đô thị Việt Nam?

Thị tứ muốn lên thị trấn, thị trấn muốn lên thị xã, thị xã muốn lên thành phố, thành phố trực thuộc tỉnh muốn lên thành phố trực thuộc Trung ương... Đó phải chăng là con đường phát triển của các đô thị Việt Nam?

Đua nhau nâng cấp đô thị

Trong một cuộc trà dư tửu hậu, phó chủ tịch UBND của một huyện miền núi vùng Nam Trung bộ tự hào rằng, huyện ông đang làm việc là một trong những huyện có bảng tên đường và số nhà sớm nhất của tỉnh X. Vì vậy, lãnh đạo huyện này đang tính đến chuyện nâng cấp khu trung tâm huyện, từ đô thị loại 5 lên đô thị loại 4, để tương lai không xa sẽ đổi tên gọi từ thị trấn thành thị xã.

Dễ thấy, chỉ vài năm gần đây, có nhiều thị trấn đã thành công trong việc nâng cấp thành thị xã như Ayun Pa (Gia Lai), Thái Hòa (Nghệ An), Buôn Hồ (Daklak), Từ Sơn (Bắc Ninh), Bình Long, Phước Long (Bình Phước), Hồng Ngự (Đồng Tháp), Sông Cầu (Phú Yên) Tân Châu (An Giang), Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế), Chí Linh (Hải Dương)... Một số thị trấn đang làm thủ tục đề nghị Chính phủ cho trở thành thị xã như: Tứ Hạ (Thừa Thiên - Huế), Đồng Đăng (Lạng Sơn), Phát Diệm (Ninh Bình), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Phan Rí Cửa (Bình Thuận), Trảng Bom (Đồng Nai)...

Do đó, ông phó chủ tịch huyện miền núi nói trên rất tự tin trong dự tính của lãnh đạo huyện mình. Quả thật, cơ sở hạ tầng của huyện này gần đây cũng có sự chuyển biến, như ở khu trung tâm huyện, nhiều tuyến đường mới mở cán nhựa láng o; chợ, bến xe, công viên, trường học... cũng được đầu tư quy mô hơn trước.

Thế nhưng, với một huyện miền núi, nguồn thu chủ yếu của người dân là từ trồng trọt và chăn nuôi thì vốn đâu để đầu tư cho hạ tầng, kiến trúc...? “Nếu chương trình phát triển đô thị được duyệt thì huyện sẽ có tiền ngân sách từ cấp trên”, ông phó chủ tịch huyện nói.

Thực tế, trong câu chuyện nâng cấp đô thị, có không ít lãnh đạo cấp huyện cũng nghĩ như ông phó chủ tịch huyện này. Thậm chí mong muốn nâng cấp đô thị còn mạnh mẽ hơn ở những lãnh đạo cấp tỉnh, thành.

Thường vụ tỉnh ủy của một tỉnh miền Trung cho rằng, đã có sự chạy đua trong việc nâng cấp đô thị giữa các tỉnh trong thời gian vừa qua.

Một thị xã hình thành từ trước năm 1975 như Tây Ninh nhưng do “ngủ quên” nên đến nay vẫn là đô thị loại 4. Không thể chậm trễ, chính quyền tỉnh phải thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch để nâng lên đô thị loại 3 trong vài năm tới.

Chỉ vài ba năm gần đây, cả nước chứng kiến hàng loạt thị xã chuyển thành thành phố như Bảo Lộc (Lâm Đồng), Trà Vinh, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Bến Tre, Đông Hà (Quảng Trị), Kon Tum, Sơn La... Và không ít thị xã đang làm thủ tục lên thành phố như Cam Ranh (Khánh Hòa), Sa Đéc (Đồng Tháp), Thủ Dầu Một (Bình Dương)...

Mới đây nhất, ngày 27-8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 32 thành lập thành phố Bạc Liêu trên cơ sở thị xã Bạc Liêu trước đây. Nhiều thành phố đô thị loại 2 nâng lên loại 1 như Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột...; hay thành phố đô thị loại 3 lên loại 2 như Cà Mau...

Nâng cấp đô thị được gì?

Theo quy định hiện hành, tỉnh, thành nào được công nhận là đô thị loại cao hơn sẽ trở thành trung tâm đô thị của khu vực trong định hướng phát triển đô thị vùng và sẽ được Trung ương “chăm sóc” nhiều hơn. “Đó là một trong nhiều lý giải cho hiện tượng tỉnh nào cũng muốn có thành phố”, vị thường vụ tỉnh ủy này nói.

Trong thực tế, khi một đô thị được nâng cấp thì ngân sách để đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị đó cũng sẽ được tăng lên. Cùng với đó là những chính sách thông thoáng hơn trong phát triển đô thị.

Chẳng hạn như, khi Đà Nẵng được Chính phủ công nhận là đô thị loại 1 thì Bộ Chính trị ra Nghị quyết 33 - đồng ý cho Đà Nẵng áp dụng cơ chế riêng trong xây dựng và phát triển thành phố.

Theo đó, Đà Nẵng được huy động thêm nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng bằng cách phát hành trái phiếu đô thị theo cơ chế tự vay, tự trả thông qua ngân sách thành phố; được vay tiền từ các tổ chức tài chính quốc tế, các địa phương nước ngoài; được thực hiện quy chế thí điểm bán nhà ở gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất cho người nước ngoài...

Hay như khi Huế trở thành đô thị loại 1, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 11 - cho Huế một số cơ chế, chính sách đặc thù trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội.

KTS. Nguyễn Trường Lưu, Hội Kiến trúc sư TPHCM, người từng làm công tác phản biện cho không ít đồ án nâng cấp đô thị, cho rằng các chính sách thông thoáng và ngân sách đầu tư cho hạ tầng có tính quyết định trong các quyết định nâng cấp đô thị của chính quyền nhiều địa phương.

Đồ án nâng cấp đô thị được phê duyệt, được công nhận thì địa phương có cơ sở và ngân sách để đầu tư cho hạ tầng, triển khai nhiều dự án. Tuy nhiên, theo ông Lưu, có nhiều địa phương rất nóng vội trong việc nâng cấp đô thị để được đầu tư dự án. Như đô thị Nhơn Trạch chẳng hạn. Chính quyền Đồng Nai tham vọng đến năm 2020 sẽ biến “thành phố đồng không” này thành đô thị loại 1 nhưng thiếu cơ sở để thu hút dân cư về đây (trên 2 triệu người)...

Một cựu quan chức của Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TPHCM (nay là Sở Quy hoạch Kiến trúc) cũng có nhận định rằng, lãnh đạo nhiều địa phương thích nâng cấp đô thị vì muốn có nhiều dự án đầu tư cho hạ tầng. Hơn nữa làm lãnh đạo của đô thị loại 1 thì “oai” hơn lãnh đạo loại 2, loại 2 “oai” hơn loại 3... chí ít là ở mức lương và phụ cấp khác nhau.

Cẩn thận khi nâng cấp đô thị

Khi được hỏi về chuyện nâng cấp đô thị của tỉnh nhà, một quan chức của tỉnh Bình Dương kể lại câu chuyện có liên quan đến Bộ trưởng cố vấn Singapore Lý Quang Diệu để lý giải tại sao một tỉnh lớn, kinh tế phát triển mạnh như Bình Dương nhưng đến nay vẫn chưa có một thành phố nào!

Trong chuyến thăm Bình Dương năm 2009, ông Lý Quang Diệu đã đặt câu hỏi với lãnh đạo tỉnh rằng Bình Dương lên đô thị loại 1 để làm gì và lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã “bối rối”. Theo lộ trình, năm 2015-2020, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Nhưng ông Lý Quang Diệu hỏi, người dân sẽ được hưởng lợi gì từ “danh hiệu” trực thuộc Trung ương? Bình Dương nhận thêm bao nhiêu ngân sách từ Trung ương?

Theo một vị lãnh đạo tỉnh Bình Dương, nếu đạt tiêu chuẩn lên đô thị trực thuộc Trung ương, Bình Dương sẽ được sự hỗ trợ về cơ chế từ Trung ương chứ không nhận được tiền từ ngân sách cấp trên (tỉnh thu nhiều hơn chi). Thậm chí, theo ông này, lên thành phố trực thuộc Trung ương Bình Dương phải nộp ngân sách nhiều hơn. “Điều này đồng nghĩa với việc người dân Bình Dương phải đóng thuế nhiều hơn”, ông Lý Quang Diệu bình luận.

Tất nhiên, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương người dân Bình Dương sẽ được hưởng những phúc lợi khác như hạ tầng tốt hơn, nhưng những thứ mà người dân được hưởng đó là từ chính tiền thuế mà họ đóng. Như vậy lên thành phố để làm gì? Có lẽ vì câu hỏi này mà đến nay Thủ Dầu Một vẫn chưa lên thành phố dù đã đạt tiêu chuẩn từ lâu (đô thị loại 3).

Trong khi đó tỉnh Bình Dương đang xây dựng một thành phố mới - thành phố mới Bình Dương - rất bài bản và khoa học và dự kiến trong vòng năm năm tới sẽ dời trung tâm hành chính tỉnh về đây.

Theo ông Lưu, việc chạy đua để nâng cấp đô thị trong điều kiện trình độ quy hoạch và quản lý đô thị còn hạn chế như hiện nay sẽ để lại những hậu quả khó lường. Có thể vì chạy đua nên không ít bản quy hoạch còn kém chất lượng, khi đó sẽ dẫn đến đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.

Một quan chức của Vụ Kiến trúc quy hoạch, Bộ Xây dựng cảnh báo rằng hiện nay, do việc chạy đua nâng cấp đô thị nên nhu cầu phát triển thường không đi liền với năng lực quản lý của các cấp chính quyền, do đó việc phê duyệt các đồ án quy hoạch kém chất lượng thường xuyên xảy ra...

Bà nói: “Tuy đô thị hóa là động lực phát triển kinh tế nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ phát triển hỗn loạn, mất kiểm soát và dẫn đến thiệt hại về môi trường và kinh tế trong tổng thể. Quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ quá lớn, thiên về mục tiêu kinh tế trước mắt sẽ dẫn đến sự mất cân bằng về môi trường sống và các giá trị văn hóa lịch sử cổ truyền”.

(Theo TBKTSG)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu