Quyết định 40/2011/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội quy định về trình tự, thủ tục cho phép hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi mục đích sử dụng đất vườn, ao liền kề và đất nông nghiệp xen kẹt (không thuộc đất công) sang đất ở có hiệu lực đã hơn một năm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có nhiều bất cập khiến các địa phương lúng túng.
Hơn một năm qua, mặc dù huyện Ứng Hòa rất tích cực triển khai chủ trương chuyển mục đích đất vườn, ao liền kề và đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư sang đất ở nhưng không một hộ gia đình, cá nhân nào đến làm thủ tục. Cán bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Ứng Hòa - ông Nguyễn Tuấn Đạt cho rằng đây là điều bất bình thường bởi diện tích đất ao, vườn liền kề và đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư của huyện Ứng Hòa không ít.
Không riêng Ứng Hòa, tại các huyện Gia Lâm, Mê Linh, Sóc Sơn, Quốc Oai, Đan Phượng, số hộ gia đình, cá nhân xin chuyển đổi mục đích sử dụng theo Quyết định 40 rất thấp. Chương Mỹ là huyện có số trường hợp xin chuyển đổi mục đích khá cao cũng chỉ được 50 trường hợp. Ông Đào Anh Đức, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ, cho biết, chỉ những hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu về "sổ đỏ" để thế chấp vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở hoặc chuyển nhượng mới thực hiện, còn lại đa phần không mặn mà với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Theo ông Đức, một bộ phận người dân cho rằng, đất vườn, ao liền kề do cha ông để lại, nay làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng phải nộp số tiền lớn theo quy định là vô lý.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, đội ngũ cán bộ làm công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các huyện, thị xã đều cho rằng Quyết định 40 rất khó thực hiện. Theo ông Đào Anh Đức, theo quy định, trường hợp sử dụng đất trước ngày 18-12-1980 trở về trước khi chuyển mục đích không phải nộp tiền bằng 5 lần hạn mức sử dụng đất nhưng phải chứng minh được thời điểm sử dụng đất. Thực hiện đòi hỏi này rất khó. Với huyện Chương Mỹ, phần lớn hồ sơ địa chính liên quan đến đất ao, vườn liền kề bị thất lạc, cũ nát, nhiều thửa không còn giấy tờ nên căn cứ xác định ngày hình thành thửa đất không dễ. Cũng Quyết định 40 quy định, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện trích đo trong trường hợp không có bản đồ địa chính và gửi bản trích lục hoặc trích đo địa chính (có tọa độ) đến Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Kinh tế để xin ý kiến. Thực tế hiện nay, nhiều huyện chưa có bản đồ địa chính có tọa độ, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất không có máy trắc địa để thực hiện đo đạc. Mặt khác, trong các quy định của thành phố, nguồn kinh phí để thực hiện việc này (thu của người sử dụng đất hay trích ngân sách) còn chưa rõ ràng nên khó thực hiện.
Thực tế, việc chuyển đổi đất vườn, ao liền kề, đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư sang đất ở giẫm chân tại chỗ còn do quá trình xác định giá đất để người dân nộp tiền sử dụng đất khi chuyển đổi khó thực hiện. Đối với các trường hợp chuyển đổi đất vườn, ao liền kề sang đất ở, việc thu tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa giá đất ở với giá đất nông nghiệp theo khung giá của thành phố quy định, còn có căn cứ thực hiện. Nhưng trường hợp người dân có nhu cầu chuyển đổi đất nông nghiệp xen kẹt sang đất ở, việc quy định tính tiền sử dụng đất căn cứ vào mức sát với giá thị trường rất khó khăn bởi trong bối cảnh thị trường bất động sản không có giao dịch như hiện nay, hội đồng định giá địa phương khó xác định giá đất sát với giá thị trường. Bên cạnh đó, Quyết định số 35/2012/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội quy định "Hệ số điều chỉnh giá đất làm cơ sở thu tiền sử dụng đất đối với diện tích vượt hạn mức sử dụng đất..." hết hiệu lực từ ngày 31-12-2012, đến nay chưa có quyết định thay thế, gây khó cho các địa phương.
Thực tế cho thấy, chừng nào những vấn đề chưa được tháo gỡ, chừng đó các địa phương vẫn trong cảnh rối như canh hẹ khi thực hiện Quyết định 40.
Theo Hanoimoi