SearchNews

Cơ chế trong xây nhà xã hội

05/08/2009 09:55

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng, muốn tăng sức hấp dẫn cho thị trường nhà ở xã hội, các cấp quản lý phải có cơ chế thông thoáng hơn nữa cho các nhà đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng, muốn tăng sức hấp dẫn cho thị trường nhà ở xã hội, các cấp quản lý phải có cơ chế thông thoáng hơn nữa cho các nhà đầu tư.

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 18/NQ-CP ngày 20-4-2009 về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, nhưng theo ý kiến nhiều doanh nghiệp tại hội thảo liên quan đến chủ đề này cuối tuần qua ở Hà Nội thì họ cần những động thái khuyến khích hơn nữa.

Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư dầu khí toàn cầu (GP Invest) cho rằng, tỷ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội không cao - vì theo quy định khống chế từ 10% trở xuống, thủ tục đầu tư lại khá rườm rà và phức tạp, thậm chí còn mang tính bao cấp qua cơ chế xin-cho khiến đa số các doanh nghiệp đều e ngại.

Ông Đặng Hoàng Huy, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai kiến nghị, cần đưa ra hình thức lựa chọn chủ đầu tư cho các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp. Đồng thời, quy định cụ thể chủ đầu các dự án nhà ở giá thấp này được phép dùng bao nhiêu % diện tích sàn làm kinh doanh thương mại. Nhưng quan trọng hơn cả là cần quy định chi tiết hơn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho chủ đầu tư dự án.

“Ví dụ như trong thời gian tối đa là bao nhiêu ngày các cơ quan có thẩm quyền phải trả lời cho chủ đầu tư, hết thời hạn đó mà cơ quan thẩm quyền chưa giải quyết được thì phải trả lời bằng văn bản cụ thể tới doanh nghiệp”, ông Huy nói.

Nhiều doanh nghiệp góp ý rằng, chừng nào chưa giải quyết được những vướng mắc trong thủ tục, giảm các chi phí "bất thành văn" thì nhà đầu tư chưa thể hào hứng với phân khúc nhà ở xã hội.

Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - Vũ Thị Hòa cũng nhìn nhận rằng mặt bằng cho xây dựng nhà ở giá thấp còn rất nhiều vướng mắc. Bởi doanh nghiệp thường phải mất nhiều tháng, thậm chí cả năm để đền bù, giải phóng mặt bằng. Cơ chế tự thỏa thuận đền bù giữa người dân và doanh nghiệp có mặt trái là đẩy giá đền bù ở các đô thị lớn lên cao. Với chi phí tiền đất cao như hiện nay, để hình thành nên một chung cư giá thấp ở các đô thị lớn là một thách thức là không hề đơn giản.

Về nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, nhiều doanh nghiệp nói rằng mặc dù tổng số tiền đưa ra lưu thông qua chương trình kích cầu của Chính phủ lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng, nhưng tìm kiếm được nguồn vốn cho các dự án xây dựng nhà ở không đơn giản do thủ tục thẩm định và thận trọng trong việc thế chấp bằng bất động sản. Cơ chế hỗ trợ tín dụng ngân hàng đối với người thu nhập thấp mua nhà chưa thiết thực.

Theo bà Hòa, công chức, công nhân và người có thu nhập thấp khó có ngay 350 - 450 triệu đồng để mua căn hộ giá thấp. Nếu mua trả góp, lãi suất trong thời hạn 15 - 20 năm cũng là khoản tiền lớn.

Ông Đặng Quang Phán, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế - Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thì kiến nghị phải mở rộng các sàn giao dịch thị trường đất đai và bất động sản, hạn chế tối đa các giao dịch ngầm, để hạn chế giá nhà ở đội lên 2-3 lần.

(Theo TBKTSG)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu