Có được số tiền vài trăm triệu đồng để mua đất, nhà ở thành phố là mơ ước của nhiều công chức trẻ. Nhưng kể cả khi có tiền rồi, hành trình để mua được ngôi nhà ưng ý cũng không ít gian nan, nhiều khi phải nhờ cả vào sự may rủi.
"Lại chuyển nhà", chị Nga mặt buồn rười rượi than thở. Cái bụng to gần 8 tháng càng làm vẻ mặt chị thêm thê thảm. Đây là lần thứ ba trong năm vợ chồng chị phải chuyển nhà. Hai anh chị cùng ở tỉnh lẻ, cưới nhau được hơn ba năm rồi, vẫn phải lận đận đi thuê nhà khắp nơi. Đầu năm nay, hai vợ chồng phải hò nhau mãi mới quyết định có con, dù vẫn sợ cảnh sống tạm bợ, nheo nhóc, "Nhưng cưới nhau đã lâu mà không có tiếng trẻ trong nhà cũng buồn, bố mẹ hai bên ở quê cũng giục ghê lắm", anh Nam chồng chị Nga nói.
Hai anh chị cùng làm cho một công ty phần mềm, chị làm kế toán, anh làm lập trình, lương tháng cả hai cộng lại cũng chỉ được gần 6 triệu. Anh chị hiện thuê một căn phòng khoảng 10 m2 ở Long Biên, tất cả sinh hoạt đều ở đó. Vì sắp có con nhỏ nên hai vợ chồng quyết định đến thuê một phòng khác lớn hơn, dù đã quá chán cái cảnh nay đây mai đó chuyển lên chuyển xuống bao năm nay.
Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều cặp vợ chồng trẻ khác ở các tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp. Lương thấp, giá cả trên thành phố cái gì cũng đắt đỏ, nhiều khi vợ chồng làm chỉ đủ ăn chứ chẳng có để tiết kiệm. Với những người gia đình ở quê, có điều kiện còn đỡ, còn với những nhà mà hoàn cảnh gia đình khó khăn, thì việc vợ chồng lăn lộn để có được căn nhà ở thành phố là cả một kỳ tích lớn.
Nhưng kể cả khi có được 500-700 triệu trong tay, thì để mua được mảnh đất, căn nhà ở Hà Nội cũng không phải dễ. Anh Tiến, quê ở Bắc Ninh đã rục rịch tìm mua đất từ năm ngoái. Mẹ anh khá duy tâm nên giao nhiệm vụ phải mua bằng được trong năm nay mới hợp tuổi, cụ đã phải bán hai mảnh đất ở quê để lấy tiền cho con trai mua nhà, nhưng đến giờ vẫn là "nhiệm vụ bất khả thi". Anh Tiến tuy không duy tâm, nhưng lại lo ngay ngáy vì gần 700 triệu đồng gửi tiết kiệm càng ngày càng mất giá.
Tìm đến các công ty, các sàn giao dịch bất động sản nào anh cũng nhận được những cái lắc đầu. Các công ty này giờ chỉ tập trung vào mảng dự án, chung cư cao cấp, mua bán dễ, sinh lời cao, gần như bỏ ngỏ thị trường nhà cho những người thu nhập thấp như anh. Lên mạng tìm trên các trang rao vặt, hay đến các trung tâm môi giới nhà đất thì đều dẫn về cùng một địa chỉ đó là các ông "cò" nhà.
Mà làm việc với các ông cò này thì nhiều khi "tiền mất bực mang". Anh Tiến kể, có lần anh đã tìm đến một trung tâm nhà đất ở Cầu Giấy, căn phòng nhỏ tối thui, có duy nhất một cô nhân viên với một quyển sổ nhàu nát. Trước khi đến anh đã sợ với số tiền ít ỏi của mình thì sẽ rất khó mua được một mảnh đất, ở khu vực này. Nhưng vừa nghe yêu cầu của anh, cô nhân viên đã lập tức gọi điện cho một người tên Long và thông báo ngay: "Có rồi". Theo chỉ dẫn của ông Long, mà sau mới biết đấy là cò đất, anh tìm được đúng mảnh đất như yêu cầu, 37 m2, ngõ không quá nhỏ. Ngỡ mình hôm nay ra ngõ gặp trai, anh định về trung tâm làm hợp đồng môi giới và cho gặp chủ nhà, thì một bà cụ bên ngõ ghé sang chất vấn: "Anh làm gì mà nhòm ngó ở đấy thế?". Khi biết ý định mua mảnh đất của anh, bà cụ gắt lên: "Đất nhà người ta sắp làm nhà, mua bán gì, sao suốt ngày đến ám thế". Hỏi ra mới biết đấy là đất của con trai cụ đã mua được hơn một năm, nhưng vẫn thường xuyên có người đến xem mua.
Sau đó, anh đã phải mất cả buổi sáng, lòng vòng theo ông "cò" Long, nhưng không sao tìm được mảnh đất như ý. Cuối cùng anh vẫn phải mất cho trung tâm 50.000 đồng tiền lệ phí. Trung tâm hứa sẽ tìm được mảnh đất như yêu cầu, nhưng sau mấy lần gọi đến không có kết quả, anh biết mình đã bị "làm tiền" nên đành cho qua.
Cũng như anh Tiến, chỉ có khoảng 600 triệu đồng, anh Hưng không dám mơ đến các khu chung cư hay những mảnh đất, ngôi nhà ở trung tâm. Anh chấp nhận ra các vùng ven như khu vực Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh (Từ Liêm), Tây Mỗ, Hà Đông. Cả tuần bận đi làm, thỉnh thoảng cuối tuần anh lại phải lọ mọ đi khắp các hang cùng ngõ hẻm lân la các quán nước vỉa hè, nhưng vẫn chưa ăn thua. Anh tặc lưỡi: "Mua nhà, mua đất nhiều khi phải hợp duyên. Chắc là mình chưa có duyên mua nhà".
Anh Nam, giảng viên trẻ đại học Quốc Gia Hà Nội thì may mắn hơn vì cuối cùng sau nhiều tháng tìm mua đất không có kết quả, anh đã mua được mảnh đất ngay cạnh nhà bác ruột mình ở Cổ Nhuế với giá chỉ 5 triệu đồng một m2. Vì chủ nhà đang cần tiền gấp để đầu tư làm ăn nên việc mua bán diễn ra nhanh chóng, hôm trước thỏa thuận, hôm sau giao tiền luôn.
Các trung tâm nhà đất mọc lên nhan nhản, khắp mọi nơi và thường có xu hướng móc nối với nhau, nhân viên trực chỉ phụ trách nhận điện thoại và địa chỉ, hoạt động chính là các ông cò. Mấy ông này thường xuyên lân la ở các quán nước vỉa hè, thâu tóm các địa chỉ bán và dẫn khách đi xem. Phương châm của những trung tâm này là: "Khách đã đến thì kiểu gì cũng phải moi được tiền".
Không ít người đã gặp cảnh khóc dở mếu dở vì vớ phải ông cò làm ăn tráo trở, một mảnh đất có khi nhận đặt cọc của 5-7 người. Đến khi gặp chủ thực sự mới vỡ lẽ ra, nhưng sự đã rồi cũng chỉ biết lắc đầu "cho qua". Tuy không phải tất cả các ông cò đều như vậy, nhưng còn do sự khôn khéo của người mua, theo một ông cò, cách tốt nhất để tránh những trường hợp này là phải, yêu cầu được gặp chủ nhà, xem giấy tờ đầy đủ mới làm hợp đồng môi giới, có cả chủ nhà chứng nhận, còn việc mất 50.000-70.000 đồng cho các trung tâm thì hầu như không thể tránh.
Theo kinh nghiệm ngoài việc nhờ người thân, đồng nghiệp, bạn bè giới thiệu, người mua cũng nên biết tận dụng mọi mối quen biết có thể, ở mọi nơi. Một cách khá hiệu quả là đến khu vực mình cần tìm mua, chủ động làm quen và nhờ tổ trưởng khu phố hoặc công an khu vực, họ là những người nắm rõ nhất khu quản lý của mình. Kể cả khi chưa mua được luôn thì cũng nên giữ liên lạc thường xuyên với họ, để vừa có được những thông tin mới, vừa nhắc họ để tâm đến việc mình nhờ. Một cách nữa cũng khá hiệu quả là tìm đến các quán nước, từ các "trung tâm thông tin vỉa hè" này nhiều khi người mua có thể thu thập được rất nhiều tin tức đắt giá.
Kiên Thành