Hôm qua (14-1), quyết định 01/2013/QĐ-UBND về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội chính thức có hiệu lực. Song, trong cuộc họp gần đây nhất với báo chí của cư dân Keangnam, các hộ dân đều cho rằng về cơ bản, Quyết định 01 không hề có điểm gì mới so với các văn bản luật trước đó, nên khó mà giải quyết được những mâu thuẫn đã tồn đọng….
Chị Trịnh Thúy Mai, thành viên ban quản trị nhà chung cư Keangnam cho biết, sau khi tổ chức hội nghị nhà chung cư từ 12-8-2012 đến nay, những mâu thuẫn lớn tại Keangnam vẫn không được giải quyết. Nổi cộm là những vấn đề về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ), phí quản lý chung cư, quỹ bảo trì công trình và thiết bị… Dù các căn hộ ở Keangnam đã được bàn giao gần 2 năm, cư dân đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cung cấp giấy tờ, thanh toán giá trị căn hộ nhưng hiện nay, Keangnam Vina mới chỉ làm sổ đỏ với thời hạn 50 năm cho 2 chủ căn hộ mà không phải lâu dài theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, 2% giá trị các căn hộ, tương đương 10 triệu USD (khoảng 200 tỷ đồng) vốn được nộp vào quỹ bảo trì thì nay đã được chuyển về Hàn Quốc, trong khi số tiền này đáng lẽ phải được chuyển vào một tài khoản ngân hàng, và báo cáo ban quản trị tòa nhà về thực tế thu (số thu và lãi suất ngân hàng thời gian qua) và chi (nếu có) để làm cơ sở cho việc quản lý. Cùng với đó, sau khi chung cư đã có ban quản trị, số tiền này cần được chuyển nhượng để đại diện ban quản trị trở thành đồng chủ tài khoản.
Riêng phí quản lý chung cư, mấu chốt dẫn đến những tranh chấp tại các chung cư hiện nay, Keangnam đã giảm phí từ 21.000 đồng/m2/tháng xuống còn 16.500 đồng/m2/tháng, vẫn gấp 4 lần so với mức 4.000 đồng/m2/tháng tại quy định 4520 của UBND TP. Hà Nội, song chất lượng các dịch vụ lại hoàn toàn không đáp ứng được với số tiền cư dân đã bỏ ra.
Trong thời gian qua, chung cư Keangnam cũng liên tiếp gặp phải hàng loạt các sự cố nguy hiểm đến tính mạng người dân và tài sản của họ. Sự cố hệ thống điện dự phòng trục trặc không hoạt động khi mất điện lưới, thang máy bị kẹt, chỉ trang bị dụng cụ cơ khí cầm tay để cứu người và không tự giải phóng người trong trường hợp khẩn cấp.
Quyết định 01 – thực hiện quá chậm
Từ hàng loạt các vấn đề trên, ông Trần Xuân Trạch, tổ trưởng tổ dân số phố 5 cho rằng, việc Hà Nội ban hành Quyết định 01 nhằm giải quyết, tháo gỡ mâu thuẫn, bất đồng trong các khu chung cư hiện nay là một tín hiệu tích cực đáng hoan nghênh. Song, sau một thời gian nghiên cứu, ban quản trị chung cư nhận định, nội dung Quyết định 01 không có gì mới so với các văn bản pháp luật đã được ban hành từ những năm 2008. Trong khi đó, những yêu cầu chính đáng của cư dân luôn bị chủ đầu tư phớt lờ hoặc không được đáp ứng một cách đầy đủ, nhanh chóng.
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao TP không tiến hành ban hành quy chế quản lý chung cư từ đầu mà chỉ khi những mâu thuẫn phát sinh quá lớn mới tổng hợp lại thành một quy chế? Như vậy, Quyết định 01 đã ra đời quá chậm và chỉ có một số điểm thay đổi so với những văn bản luật trước đó. Đơn cử, thông tư 08/2008 của Bộ Xây dựng quy định, việc công nhận ban quản trị tiến hành sau 15 ngày tổ chức hội nghị nhà chung cư. Quyết định 01 rút xuống còn 10 ngày, nhưng vẫn khó đảm bảo sẽ được thực hiện đúng. Trên thực tế, sau khi hội nghị nhà chung cư lần 2 được tổ chức, ban quản trị Keangnam đã có 4 lần gửi văn bản đến tất cả các cơ quan chức năng, từ cấp huyện, sở đến TP, đề nghị chính quyền công nhận ban quản trị chính thức nhưng tính đến ngày 11-1-2013, vẫn không có văn bản trả lời.
Ngay cả mức phí dịch vụ, trong Quyết định 01 cũng không hề đề cập tới Quyết định 4520 đã ra đời trước đó về mức phí trần dịch vụ nhà chung cư. Phải chăng, đây là tín hiệu cho thấy UBND TP đã không còn muốn áp mức phí trần nữa? – ông Trạch băn khoăn.
Ông Thụy, Chủ tịch hội người cao tuổi, chủ căn hộ A2110 cũng đặt câu hỏi, ai sẽ là người đứng ra giải quyết mâu thuẫn của cư dân? Trước đây, chủ đầu tư vin vào lý do không làm việc với ban đại diện lâm thời, nay thì do ban quản trị chưa được công nhận. Trong khi đó, đã 5 tháng trôi qua kể từ khi cư dân bầu ra ban quản trị theo đúng quy định pháp luật. Vậy lý do gì mà đến nay UBND huyện Từ Liêm chưa quyết định công nhận ban quản trị cho Keangnam?
Bởi thế, điều cư dân Keangnam mong mỏi nhất hiện nay là một câu trả lời cho bài toán ban quản trị. Một khi ban quản trị chưa được công nhận thì chưa thể đại diện cho quyền lợi người dân và những mâu thuẫn vẫn tiếp tục diễn ra. Theo thống kê chưa chính thức, hiện ở Keangnam có 820/920 căn hộ đã có người sử dụng. Tuy nhiên, số chủ sở hữu người Việt Nam thực sự sinh sống ở đây chỉ khoảng 200-300 chủ căn hộ. Do đó, tình hình quản lý rất khó khăn. "Quyết định 01 sẽ không giải quyết được mâu thuẫn nếu chính quyền cấp huyện không có những động thái mạnh mẽ hơn với những tranh chấp đang tồn tại tại chung cư” – ông Trạch nhấn mạnh.
(Theo DDK)