SearchNews

Cưỡng chế công trình vi phạm: Chủ tịch phường được ban hành quyết định

27/12/2013 05:00

Nhằm hoàn thiện việc thi hành một số điều của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh BĐS; khai thác, sản xuất, kinh doanh VLXD; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở. Hiện Bộ Xây dựng đang xin ý kiến đóng góp các bộ, ban ngành để hoàn chỉnh Dự thảo Thông tư này.

Xử phạt vi phạm hành chính là một trong những biện pháp nhằm hạn chế vi phạm TTXD.

Theo đó, Dự thảo Thông tư đã xác định thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm tại các dự án đầu tư xây dựng công trình mà khi phát hiện ra thì hành vi này đã kết thúc được xác định: Trường hợp dự án có một công trình thì thời điểm tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là ngày công trình xây dựng được bàn giao, đưa vào sử dụng. Còn đối với trường hợp dự án có nhiều công trình thì thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với từng công trình là ngày công trình xây dựng đó được bàn giao, đưa vào sử dụng. Thời điểm bàn giao, đưa vào sử dụng được xác định theo quy định của pháp luật.

Đối với những công trình vi phạm, cần phải áp dụng biện pháp phá dỡ theo Nghị định số 180/2007/NĐ-CP, hoặc theo điểm đ, khoản 3, Điều 5 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm, thì người có thẩm quyền ban hành Quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm.

Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có trách nhiệm ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trừ trường hợp vụ việc phức tạp theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nếu hết thời hạn 3 ngày (đối với trường hợp không phải lập phương án phá dỡ) hoặc 10 ngày (đối với trường hợp phải lập phương án phá dỡ) kể từ ngày ban hành quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm mà tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thì Chủ tịch UBND cấp xã, phường ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ.

Ngoài ra, việc xử lý công trình xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận, có nguy cơ làm sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 13 và khoản 2, khoản 5 Điều 27 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, đồng thời bị ngừng thi công xây dựng để bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP.

Dự thảo Thông tư cũng đã xác định hành vi xây dựng sai phép được áp dụng theo khoản 3, khoản 5 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP là xây dựng sai một trong các nội dung của GPXD và các bản vẽ thiết kế được cơ quan cấp GPXD đóng dấu kèm theo GPXD được cấp.

Đối với việc điều chỉnh diện tích xây dựng đã ghi trong giấy phép đối với khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc thiết kế đô thị đã được phê duyệt nhưng vẫn thuộc diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp của chủ nhà, không lấn chiếm đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người khác, không lấn chiếm đất sử dụng cho các mục đích công cộng hoặc lối đi chung, không vi phạm chỉ giới đường đỏ, không vi phạm chỉ giới xây dựng, không nhỏ hơn diện tích xây dựng tối thiểu theo quy định. Nhưng thay đổi thiết kế mà không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính hoặc kiến trúc mặt ngoài công trình. Hay tự ý giảm số tầng so với GPXD đối với những khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc thiết kế đô thị đã được phê duyệt, đối với việc xây dựng nhà ở riêng lẻ thuộc một trong các trường hợp trên thì không coi là hành vi vi phạm hành chính.

Để liền mạch cho quá trình xử lý công trình vi phạm TTXD thì Dự thảo Thông tư đã quy định việc áp dụng chuyển tiếp Nghị định số 23/2009/NĐ-CP với Nghị định số 121/2013/NĐ-CP (Điều 70 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP). Cụ thể hành vi vi phạm hành chính được phát hiện, lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trước ngày Nghị định số 121/2013/NĐ-CP có hiệu lực nhưng đến thời điểm Nghị định này có hiệu lực vẫn chưa thi hành và vẫn trong thời hạn thi hành theo quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP thì tiếp tục thi hành. Trường hợp hết thời hạn thi hành mà tổ chức, cá nhân vi phạm không tự thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Theo Baoxaydung

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu