Đây là nhận định của Bộ trưởng Xây dựng, Trịnh Đình Dũng. Bộ trưởng Xây dựng cũng có lần đăng đàn đầu tiên tại kỳ chất vấn lần này trong sáng nay (17/11), sau khi Phó chủ tịch Quốc hội - Huỳnh Ngọc Sơn yêu cầu ông trả lời 2 câu hỏi của đại biểu, cũng như những vấn đề liên quan được các ý kiến trước đó nêu ra.
Dùng từ "nghệ thuật bán hàng" để đặt nghi vấn trước hiện tượng găm giữ căn hộ đang xảy ra tại một số dự án, đại biểu Đỗ Văn Đương (Tp. HCM) lo ngại tình trạng bong bóng bất động sản có thể tái diễn trong thời gian tới, tương tự cách đây vài năm.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Xây dựng cho biết từ cuối 2013, thị trường bất động sản đã phục hồi theo hướng tích cực. Tuy nhiên, thị trường ấm lên cũng xuất hiện đầu cơ. “Có một số dự án khách hàng mua cao hơn giá chủ đầu tư bán, một số có vị trí tốt, tiến độ thi công nhanh... thì giá cũng khá cao do chủ đầu tư chủ động tăng", ông Dũng nói. Trong khi đó, nhiều dự án khác cũng rục rịch khởi công, khiến lo ngại về bong bóng bất động sản trở nên rõ rệt.
Tuy vậy, Bộ trưởng cũng chỉ ra những điều kiện cụ thể để bong bóng bất động sản xuất hiện như: kinh tế tăng trưởng nóng, thị trường khác hoạt động không ổn định, nguồn cung thiếu, chính sách tài chính tín dụng lỏng lẻo, chứng khoán hóa bất động sản, hạ chuẩn cho vay mua nhà, thiếu kiểm soát của Nhà nước (nhất là quản lý đô thị)...
Căn cứ vào đó, trên thị trường Việt Nam hiện nay theo ông Dũng “rất khó để có bong bóng bất động sản”do kinh tế vĩ mô phục hồi khá bền vững.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhận định, diễn biễn thị trường khá phức tạp khiến cơ quan quản lý không thể chủ quan. Thay vào đó, cần chủ động để phát triển lĩnh vực bất động sản theo hướng ổn định, hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan, kiểm soát quá trình đô thị hóa, khắc phục tình trạng theo kế hoạch mà thiếu quy hoạch.
Bộ trưởng nhận định khó xảy ra bong bóng bất động sản lúc này
Về thắc mắc khác của đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) xung quanh vấn đề xây dựng các khu đô thị trái quy hoạch dẫn đến ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Dũng dành khá nhiều thời gian để nói về lý do gây ùn tắc. Tiếp đó, vị này lại nói quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng dân cư...
Cách trả lời này khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải 2 lần nhắc Bộ trưởng tập trung vào câu hỏi. Tuy nhiên, vị trưởng ngành vẫn chưa đưa ra câu trả lời thỏa đáng, cũng như xác định được trách nghiệm của ngành mình. "Giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông cần có lộ trình và là nhiệm vụ của tất cả các bộ ngành", ông Dũng nói.