Hầm để xe chung cư khi đưa vào hoạt động, phải đáp ứng nhiều yêu cầu nghiêm ngặt về PCCC như: có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động bằng nước; hệ thống thông gió, màng nước ngăn cháy lan…, song quá trình sử dụng, hầu hết các thiết bị này đều hư hỏng, không được sửa chữa.
Quy định một đằng, vận hành một nẻo
Trao đổi với PV, đại diện Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết: Theo tiêu chuẩn xây dựng và PCCC, hầm có diện tích 500m2 trở lên, buộc phải lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, hệ thống chữa cháy vách tường, thông khói cưỡng bức và các bình chữa cháy tại chỗ.
Với các hầm rộng trên 1.000m2, cứ 500m2 đơn vị thi công phải chia ra các khoang, mỗi khoang có diện tích tối đa 500m2, được ngăn cách bằng tường ngăn cháy, hoặc màng nước ngăn cháy. “Nhà cao tầng có hầm để xe, trước khi đi vào hoạt động đều được cơ quan PCCC thẩm duyệt, kiểm tra kỹ lưỡng, vi phạm thường xảy ra sau khi đưa vào vận hành” - đại diện cơ quan công an nhận định. Chủ đầu tư muốn có đầy đủ giấy tờ mua bán căn hộ, buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn PCCC, nhưng cứ hễ bán xong, họ lại chối bỏ trách nhiệm bảo trì các thiết bị này. Chỉ cần lơ là bảo dưỡng vài năm, hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động sẽ tự hỏng, điển hình như tầng hầm để xe chung cư M3-M4 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa… Tuy vậy, dù có hệ thống kỹ thuật hiện đại mà thiếu người vận hành, giám sát, không có kỹ năng xử lý tình huống, hiệu quả các thiết bị này mang lại cũng rất thấp, đám cháy vẫn lan rộng, gây thiệt hại lớn.
Đại diện cơ quan PCCC khuyến cáo: rất ít người dân sống ở chung cư biết việc hầm để xe có thể xảy cháy trong trường hợp ngập nước. Nhớ lại trận mưa lịch sử năm 2009, khiến nhiều tầng hầm chung cư ngập nặng, đại diện Cảnh sát PCCC phân tích: nhiều tầng hầm không kịp di chuyển phương tiện, bị nước tràn vào làm xe máy, ô tô bồng bềnh, khiến xăng rò rỉ từ bình cấp nhiên liệu, nổi trên mặt nước. Thời điểm đó, chỉ cần một nguồn nhiệt nhỏ sẽ làm hỏa hoạn bùng phát, tiềm ẩn nguy cơ gây nổ lớn.
Phớt lờ bảo hiểm cháy nổ chung cư
PV đã có dịp tiếp xúc, trao đổi với một số nhân viên công ty bảo hiểm, chuyên cung cấp các “gói” bảo hiểm cháy nổ phương tiện, cháy nổ chung cư. Một nhân viên cho hay: Theo quy định của pháp luật hiện hành, ban quản lý các chung cư, chủ đầu tư phải có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ cho tòa nhà, để bảo vệ lợi ích của cư dân, tài sản cố định trong hầm để xe của họ. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, hiếm có chung cư nào ở Thủ đô chấp hành quy định này. “Có chăng ban quản lý chung cư tìm mua bảo hiểm, những “gói” thấp nhất, thường chỉ bảo hiểm cháy nổ phương tiện các hộ dân sinh sống bên trong, mà không bảo hiểm cháy nổ các phương tiện của khách vãng lai. Trường hợp này, nếu không may phương tiện của khách xảy cháy, lan sang ô tô, xe máy của cư dân, rất khó buộc công ty bảo hiểm hỗ trợ kinh phí đền bù, chưa nói đến việc bảo hiểm toàn bộ thiệt hại.
Nói vậy không có nghĩa cứ có tiền là mua được bảo hiểm cháy nổ chung cư. Để ký được hợp đồng bảo hiểm, các chung cư phải thực hiện nghiêm túc các quy định liên quan đến công tác phòng chống cháy nổ, hệ thống PCCC luôn phải hoạt động tốt, duy trì bảo dưỡng thường xuyên. Chung cư nào có chứng nhận “An toàn PCCC”, do cơ quan quản lý Nhà nước cấp, hợp đồng bảo hiểm mới được ký kết. Đối chiếu các điều khoản trên, rất ít chung cư ở Hà Nội hiện nay, có đủ khả năng ký kết hợp đồng mua bảo hiểm cháy nổ. Dẫn chứng vụ cháy chung cư M3-M4 Nguyễn Chí Thanh, nhân viên bảo hiểm này nói: Giả thiết có một hợp đồng bảo hiểm được được ký kết, nhưng thời điểm xảy ra hỏa hoạn, hệ thống PCCC tòa nhà này lại hư hỏng. Sau khi có kết luận nguyên nhân của cơ quan công an, nêu rõ tắc trách của đơn vị quản lý không bảo dưỡng thiết bị PCCC, dẫn đến hư hỏng, thì công ty bảo hiểm chỉ xem xét hỗ trợ một phần thiệt hại. Trách nhiệm “bảo hiểm” lúc này thuộc về ban quản lý hoặc chủ đầu tư chung cư. Nếu không bồi thường thỏa đáng, người dân có thể khởi kiện các đơn vị này để đòi quyền lợi - nhân viên này cho biết.
Có thể thấy, với cách quản lý, điều hành thiếu trách nhiệm của một số ban quản lý chung cư, chủ đầu tư hiện nay, cháy hầm để xe là điều dễ xảy ra. Về phía cơ quan PCCC, do thường xuyên kiểm tra nên những vi phạm này không khó phát hiện. Cái khó là làm sao cưỡng chế chủ đầu tư, đơn vị quản lý “móc hầu bao” sửa chữa. Cộng với chế tài xử phạt không thấm vào đâu so với khoản tiền duy tu, bảo dưỡng, thay thế thiết bị PCCC, nhiều đơn vị quản lý chấp nhận phạt để tồn tại. Chỉ khổ những cư dân sống trong chung cư gắn “mác” cao cấp, bởi nếu không may hỏa hoạn xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản, “quả bóng” trách nhiệm lại sẽ “đá” đi khắp nơi, không ai bị xử lý. “Gánh” hậu quả vẫn là người dân.
(Theo ANTĐ)