SearchNews

Đánh thuế căn nhà thứ hai: “Việt Nam không thể làm được”

08/09/2017 08:39

“Về lâu dài cần có một đạo luật về thuế tài sản BĐS bởi đây là tài sản hiện hữu trên địa bàn địa phương, ai cũng có thể nhìn thấy được. Tôi cũng lấy làm tiếc là trong 12 năm qua chưa có đạo luật nào về việc đánh thuế tài sản BĐS”.

Các chuyên gia cho rằng, việc đánh thuế vào căn nhà thứ hai là không hợp lý, bởi trong thị trường BĐS, phần kinh doanh chiếm tỷ trọng rất cao. Nếu phần kinh doanh không có thì lập tức phân khúc nhà ở cho thuê sẽ bị giảm xuống.

Chia sẻ trên là của Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp (Tổng cục Thuế - Bộ Tài Chính) Nguyễn Văn Phụng khi tham gia một cuộc tọa đàm về chính sách đánh thuế căn nhà thứ hai diễn ra vào ngày 7/9. Ông Phụng cũng là một trong những người chắp bút cho dự thảo đề xuất sắc thuế trên của Bộ Tài Chính.

Tuy nhiên, quan điểm trên của vị đại diện Bộ Tài chính này đã nhận được hầu hết những phản hồi trái chiều từ các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp về các “tác dụng ngược” nếu áp thuế đối với căn nhà thứ hai trở đi, với những luận cứ khá thực tiễn .

“Mua căn nhà thứ hai cho con ở Hà Nội thì tính sao?”

Đại diện Bộ Tài chính cho hay, lý do của việc đề xuất trên là xuất phát từ thực tiễn gần đây có rất nhiều ý kiến về việc cần phải đánh thuế nhà ở thứ 2, thứ 3 tuy nhiên cần phải có lộ trình: khi nào đánh, đánh với thuế suất bao nhiêu và liệu có quản lý được không. Bộ Tài chính đã lập ra nhóm chuyên gia thực hiện vấn đề này bằng một báo cáo chuyên đề nghiên cứu thấu đáo về một vấn đề thực tiễn của xã hội.

Dẫn ví dụ tại một số nước, Vụ trưởng Nguyễn Văn Phụng cho biết, các nước khác người ta đánh thuế tài sản là căn cứ vào giá trị của BĐS, trong đó chủ yếu là phần đất. Do đó, dù là thuế nhà hay thuế đất thì cũng vẫn là vấn đề của BĐS tạo ra.

Trong khi đó, tại Việt Nam, cơ quan tài nguyên - môi trường và cơ quan thuế vẫn chưa có việc liên thông về quản lý đất, nhà. Nếu quản lý chưa được mà đã đưa ra thông điệp sớm như vậy thì sẽ có khả năng gây xáo trộn thị trường.

Theo các chuyên gia, một trong những mục tiêu chính của việc áp dụng sắc thuế này là nhằm chống đầu cơ, ngăn ngừa lãng phí nhà đất. Tuy nhiên, với những gia đình muốn mua nhà cho con cái học ở Hà Nội thì sẽ tính thế nào? Đây có tính là đầu cơ hay không?

Ông Phụng cho rằng, thực tế hiện nay có rất nhiều gia đình ở nông thôn có tiền muốn mua ngôi nhà ở Hà Nội cho con cái học hành thì chúng ta cần phải khuyến khích chứ không thể làm giảm nhu cầu được. Việt Nam đã trải qua hai thời kỳ BĐS bị đóng băng và ở mỗi thời kỳ, Chính phủ và Quốc hội đều đưa ra những chính sách nhằm phù hợp và nâng đỡ thị trường BĐS trong giai đoạn đó.

đánh thuế căn nhà thứ hai
Việt Nam không thể thực hiện được việc đánh thuế căn nhà thứ hai.

“Cho đến nay, thị trường đã có những dấu hiệu phục hồi đáng kể. Nhưng khi chúng ta chưa công khai được các thông tin về quy hoạch, giao dịch thì sẽ vẫn sẽ tạo ra hiện tượng đầu cơ. Nếu thị trường được công khai, minh bạch thì sẽ hạn chế rất nhiều vấn đề này”, ông Phụng nói.

Ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, thị trường BĐS rất nhạy cảm với chính sách, đặc biệt là các chính sách về tín dụng và thuế. Do vậy, khi chúng ta bàn tới việc đánh thuế nhà ở thì chúng ta cũng cần bàn đến việc đánh thuế nhà ở thứ nhất và đối tượng người thu nhập thấp thì sẽ bị đánh thuế như thế nào.

Ông Phấn cho rằng, về lâu dài, việc nghiên cứu, xây dựng sắc thuế tài sản trong đó có thuế BĐS là nhà đất là rất cần thiết, tuy nhiên thời điểm áp dụng như thế nào nào, mức thuế và đối tượng chịu thuế ra sao thì cần phải nghiên cứu, xem xét kỹ.

“Trong giai đoạn hiện nay, tôi nghĩ chúng ta nên xem xét chỉnh sửa luật thuế đất phi nông nghiệp. Có nghĩa là chưa đánh thuế nhà đất thứ 2 nhưng phải tính toán mức thuế. Trong sắc thuế đó đã có những hướng dẫn về việc đánh thuế nhà 1, 2, 3 tính toán tổng cộng để ra được mức đóng thuế. Tuy nhiên, thực tế không thể kiểm soát được nhất là với những người mua đất để không. Vì vậy, sắc thuế về sử dụng đất phi nông nghiệp cũng cần sửa để quy định rõ hơn mức thuế với lô thứ 2 trở đi không được sử dụng, bỏ hoang đất đai”, ông Phấn nói.

Đại diện Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh, chúng ta đã có quy định về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nên nếu ban hành sắc thuế mới này thì không được để thuế chồng thuế. Nghĩa là, hoặc là thay thế thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hoặc là sửa đổi bổ sung thuế sử dụng đất phi nông nghiệp kèm theo công trình trên đất.

"Đánh thuế căn nhà thứ hai là không hợp lý”

Tại buổi tọa đàm, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho hay, thay vì đưa ra một sắc thuế mới, điều chúng ta cần bàn là phải cải cách thêm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Hiện mức thuế này dang là 0,03%, trong khi các nước khác là 1%.

Theo ông Võ, nếu như các nước sử dụng số tiền thu được từ thuế đất để phát triển hạ tầng đô thị, phát triển dịch vụ đô thị thì ở nước ta nguồn vốn để phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ lại là vốn vay ODA. Vì vậy, điều chúng ta cần cải cách đầu tiên là thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Nếu thuế suất cao thì giá đất sẽ thấp và ngược lại, nếu thuế thấp thì giá đất sẽ cao.

Chúng ta đội thuế lên thì cầu về đất sẽ giảm xuống, có nghĩa là giá sẽ giảm, sẽ có giá đầu vào hợp lý cho quá trình sản xuất, không phải chịu chi phí về đất lớn như hiện nay.

Chuyên gia này cũng cho rằng, việc đánh thuế vào nhà ở thứ hai là không hợp lý, bởi trong thị trường BĐS, phần kinh doanh chiếm tỷ trọng rất cao. Nếu phần kinh doanh không có thì ngay lập tức phân khúc nhà ở cho thuê sẽ bị giảm.

“Đánh thuế vào căn nhà thứ hai là đánh vào phân khúc nhà cho thuê. Điều này đi ngược với chủ trương của nhà nước: Bán nhà chung cư với hình thức thuê, mua. Nếu đánh thuế vào nhà cho thuê thì số lượng người thuê nhà sẽ giảm xuống. Mà khi cầu về những nhà đầu tư thứ cấp giảm thì cung từ các dự án cũng sẽ giảm, sẽ làm giảm cả cung lẫn cầu. Trước là giảm cầu của người có nhà ở cho thuê, sau là giảm cầu của nhà đầu tư thứ cấp cho thuê”, ông Võ nói.

Bên cạnh đó, nếu đánh thuế nhà ở thì chúng ta nên đánh vào giá trị đất, nếu đánh vào giá trị nhà thì sẽ không còn nhà đẹp nữa bởi chả ai dại đầu tư "xịn" để chịu thuế cao hơn.

Đồng quan điểm trên, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết đã nghiên cứu, tìm hiểu việc đánh thuế với BĐS thứ hai từ các nước và rút ra được khá nhiều bài học. Do đó, Việt Nam cần thận trọng với đề xuất này.

Theo ông Matthew Powell, chúng ta cần hiểu mục đích đánh thuế BĐS thứ hai là khi cung và cầu chưa gặp nhau, thị trường phát triển quá nóng, cần áp dụng chính sách thuế này để cân bằng. Trong khi đó, thị trường BĐS Việt Nam đang phát triển lành mạnh.

“Qua nghiên cứu của chúng tôi, có thể thấy việc giao dịch vẫn đang ở mức ổn định, chưa phải tăng trưởng quá mạnh. Khi mà áp dụng đánh thuế BĐS thứ hai, sẽ làm giảm cầu, giảm sức mua của nhà đầu tư với thị trường và giảm bong bóng thị trường BĐS”, ông Matthew Powell cảnh báo.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Công ty Xây dựng Hòa Bình nêu quan điểm rằng, việc đánh thuế căn nhà thứ 2 không làm được tại Việt Nam. Bởi, nếu đánh thuế căn nhà thứ 2 thì sẽ giết chết thị trường nhà cho thuê, vì người mua nhà thứ 2 bị đánh thuế thì người ở nhà thuê sẽ phải chịu phần tăng giá, như vậy sẽ rất khó khăn cho người thuê nhà bởi những người thuê nhà thường là người có thu nhập thấp.

Ông Hải cho hay, tại các nước khác, nếu đánh thuế BĐS, họ sẽ đánh thuế cho cả nhà thứ nhất. Do đó, việc đánh thuế BĐS nên đánh thuế cho tất cả BĐS chứ không phải chỉ có căn nhà thứ 2, như vậy mới đảm bảo sự phát triển ổn định của BĐS.

“Nếu người có một ngôi nhà có diện tích 1.000m2 không bị đánh thuế trong khi người có 2 nhà mỗi căn nhà diện tích 50m2 lại phải đánh thuế thì sẽ rất vô lý. Còn nếu điều tra, đánh giá từng BĐS để đánh thuế thì sẽ khó khăn và phức tạp, do đó, nếu đánh thuế thì đánh hết”, ông Hải nói.

Phản hồi lại những ý kiến trên, Vụ trưởng Nguyễn Văn Phụng nói rằng, đánh thuế căn nhà thứ 2 hiện mới chỉ là câu chuyện bàn luận của thị trường. Bộ Tài chính hiện mới đang nghiên cứu.

“Với pháp luật hiện tại, chúng ta cần bình tĩnh, bởi đánh thuế nhà ở thứ 2 mới chỉ là đề xuất, phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu mới có thể ban hành. Còn những tác động đến thị trường, doanh nghiệp, tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến các chuyên gia”, ông Phụng nói.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu