SearchNews

Dễ phát sinh khiếu kiện khi chênh lệch bảng giá đất và thị trường quá lớn

23/11/2019 08:06

Ngày 22/11, tại hội thảo Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất hiệu quả tại TP.HCM, Phó Tổng Cục quản lý đất đai (Bộ TN&MT), ông Đào Trung Chính cho biết, bảng giá đất TP cao nhất khoảng 300-500 triệu đồng/m2 trong khi mức giá trên thị trường lên tới cả tỷ đồng, do đó dễ phát sinh khiếu kiện về đất khi nhà nước thu hồi.

Theo ông Chính, Bộ TN&MT đang cố gắng nâng bảng giá đất lên. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc gia tăng mức thuế mà doanh nghiệp và người dân phải nộp. Cơ quan chức năng vì thế cần xem lại các tỷ lệ bởi sẽ không khuyến khích, hấp dẫn đầu tư được trong trường hợp thuế quá cao.

Đồng quan điểm, theo nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS. Đặng Hùng Võ, mức giá đất do nhà nước ban hành mới chỉ bằng 30-40% giá trên thị trường. Có nghĩa là, mức cao nhất mà Bộ TN&MT trình Chính phủ (340 triệu đồng/m2) trên thực tế là từ 800-900 triệu đồng/m2.

Ông Võ bày tỏ: "Tại sao cứ tiếp tục tình trạng buồn cười như thế này? Nếu không nâng giá đất lên ngang thị trường thì mọi thứ đảo lộn hết. Điều này chúng ta đã thấy hậu quả rồi, đó là ngân sách thất thoát, nhà đầu tư thì được lợi một cách vô lý". Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, hệ thống quản lý đất đai sẽ trở nên thiếu hiệu quả nếu tình trạng này kéo dài.

Hệ thống thu ngân sách từ đất cần được sớm hoàn thiện. Nguồn thu ngân sách từ đất tại các nước công nghiệp phát triển chiếm từ 50-90% tổng thu. Trong khi đó, con số này tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 10%. Giá đất TP.HCM được xếp vào loại cao nhất nước nhưng tiền thu từ đất chưa chiếm tới 5% ngân sách.

Hình ảnh khu đô thị mới Thủ Thiêm nơi đang xảy ra các vụ khiếu kiện về đất
Sự chênh lệch quá lớn giữa bảng giá đất và mức giá trên thị trường dễ gây phát sinh khiếu kiện khi nhà nước thu hồi. (Ảnh: Quỳnh Trần)

Cũng theo ông Đào Trung Chính, hiện các cơ quan nhà nước quản lý đất bằng biện pháp hành chính và thu hồi đất rất nhiều, đấu giá đất chưa minh bạch, không để người dân - doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhau. Do đó, việc sử dụng đất mất tính năng động, sáng tạo vì không phải địa phương nào cũng có nguồn lực để thu hồi, hỗ trợ, bồi thường.

Nguyên Cục trưởng Quản lý công sản (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Văn Xa nhận định, những hệ lụy đến từ những bất cập trong quản lý đất đai (thu hồi đất, giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng) là giảm thu ngân sách nhà nước, khiếu kiện kéo dài. Vị này đề xuất: "Tôi cho rằng cần xây dựng Bộ Luật đất đai mới với tiêu chí đơn giản, dễ hiểu và thống nhất. Việc xây dựng nên giao cho cơ quan lập pháp chứ không nên giao bên hành pháp để tránh tình trạng làm luật có lợi cho mình".

Tham gia hội thảo, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM đánh giá, Luật Đất đai năm 2013 sau 6 năm có hiệu lực đã bộc lộ sự thiếu nhất quán trong nội bộ Luật, giữa luật này với các luật khác liên quan như Luật Đầu tư, đấu thầu, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở, quản lý công sản và tác động nhất định đến việc cho thuê đất, giao đất, thực hiện dự án đầu tư.

Ông Thắng cho rằng, đối với việc quản lý đất đai đô thị, đặc biệt là TP.HCM, tài chính đất đai là yếu tố vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh giá đất quá cao, một quyết định hành chính có thể giúp gia tăng lợi ích hoặc làm mất đi lợi ích ngân sách vài nghìn tỷ đồng.

Lãnh đạo Sở TN&MT TP.HCM nhấn mạnh: "Một hệ thống tài chính đất đai đô thị hiệu quả phải được xây dựng trên nguyên tắc vốn hóa được đất đai, tức là đất đai quy đổi được dễ dàng thành vốn tài chính".

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu