SearchNews

Đề xuất phương án cầu thép qua Đàn Xã Tắc

03/05/2013 11:05

Phương án xây dựng cầu vượt tại nút giao Ô Chợ Dừa liên quan tới di tích Đàn Xã Tắc đang nhận được mối quan tâm của dư luận.

Ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc BQL Dự án các công trình trọng điểm TP. Hà Nội, chủ đầu tư dự án cầu vượt qua Đàn Xã Tắc, cho biết đơn vị sẽ nghiên cứu, tu chỉnh nhằm tìm ra phương án tối ưu trong thực hiện dự án cải tạo nút giao thông Ô Chợ Dừa.

Phương án xây dựng cầu vượt tại nút giao Ô Chợ Dừa liên quan tới di tích Đàn Xã Tắc đang nhận được mối quan tâm của dư luận. Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc BQL Dự án các công trình trọng điểm TP. Hà Nội, cho biết quan điểm của chủ đầu tư.

Tìm phương án tối ưu

Thưa ông, phương án xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc bị phản biện mạnh mẽ. Ông có suy nghĩ gì trước những ý kiến này?

Ông Nguyễn Sỹ Bảo: Từ khi phát lộ dấu tích Đàn Xã Tắc (năm 2006) cho tới nay, UBND Thành phố và Bộ VHTTDL đã thường xuyên chỉ đạo trên nguyên tắc thực hiện các dự án nhằm giải quyết nhu cầu bức thiết về giao thông, cải tạo chỉnh trang đô thị phải gắn kết chặt chẽ với việc bảo tồn khu vực lưu dấu di tích Đàn Xã Tắc.

Hiện dự án xây dựng cải tạo nút giao thông Ô Chợ Dừa đang trong bước chuẩn bị đầu tư. Về phía chủ đầu tư, chúng tôi triển khai dự án này trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các kế hoạch đầu tư phát triển của thành phố Hà Nội gắn với việc thực hiện theo Luật Di sản, đồng thời tuân thủ chỉ đạo của các cơ quan quản lý văn hóa Trung ương và Hà Nội.

Quá trình nghiên cứu, đề xuất, lập phương án kiến trúc, quy hoạch mặt bằng dự án đều thông qua tổ chuyên gia tuyển (gồm đại diện các sở, ngành của Thành phố, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, Hội Kiến trúc sư VN, Hội Cầu đường Hà Nội, Trường ĐH Kiến trúc, Trường ĐH Xây dựng...) và Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch Thành phố. Các tổ chức tư vấn trên chọn phương án kiến trúc cầu vượt.

Ngày 28/3, thông qua cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, chúng tôi đã chủ động thông tin về những công việc đang làm tại nút giao thông có liên quan tới Đàn Xã Tắc tới các nhà khoa học và dư luận nói chung với mong muốn nhận được ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học… từ đó, chúng tôi tập hợp các ý kiến đó lại để tiếp tục nghiên cứu, tu chỉnh nhằm mục đích đưa ra được phương án tối ưu của dự án này.

Quan điểm của tôi là nếu phương án nêu ra mà chưa tìm được sự đồng thuận cao thì tiếp tục nghiên cứu tìm thêm giải pháp khác.

Lắng nghe ý kiến của các nhà nghiên cứu

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu BQL dự án tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành, các sở và các tổ chức khác để tìm ra phương án tối ưu. BQL dự án đã triển khai thực hiện những ý kiến chỉ đạo đó như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Sỹ Bảo: Chúng tôi cùng với đơn vị tư vấn tập hợp tất cả ý kiến của các chuyên gia (bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp qua báo chí) để đưa ra phương án hợp lý nhất. Ý kiến góp ý của tất cả các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, lịch sử, khảo cổ… đều trên tinh thần xây dựng, nhờ đó chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để làm tốt hơn công việc của mình.

Ngay cả dịp lễ 30/4 và 1/5, chúng tôi vẫn làm việc bình thường để trong tuần này sẽ có đầy đủ một bộ hồ sơ, phối hợp với các sở, ngành, chuẩn bị tổ chức hội thảo lấy ý kiến các hiệp hội, nhà nghiên cứu, chuyên gia...

Tôi nghĩ rằng khi triển khai dự án xây dựng có liên quan tới di tích lịch sử-văn hóa là một việc rất khó. Dù là một công trình công cộng phục vụ dân sinh nhưng chúng tôi vẫn hết sức thận trọng. Trong quá trình triển khai, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu ý kiến dư luận, đặc biệt là của các nhà khoa học.

Chúng tôi cũng mong rằng các nhà khoa học sẽ có nhiều góp ý trên tinh thần xây dựng để dự án không bị ngưng trệ quá lâu, vì điều đó trước tiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của nhân dân, không chỉ bây giờ mà còn nhiều năm sau này, khi mà dân số và mật độ lưu thông ngày càng tăng lên.

Tôi tin rằng các nhà khoa học sẽ ủng hộ chúng tôi để hoàn thiện tuyến vành đai 1 hết sức quan trọng của Hà Nội.

Đề xuất phương án cầu thép

Như vậy, việc làm con đường hoặc cây cầu tại nút giao thông này là hết sức cần thiết?

Ông Nguyễn Sỹ Bảo: Chắc chắn phải như vậy thì đường vành đai 1 mới thông. Trong khi tiến hành lập phương án, đơn vị thi công chúng tôi phải thực hiện theo Luật Di sản, thấy có vấn đề là phải báo cáo ngay lãnh đạo các cấp.

Tôi tin rằng các nhà sử học cũng muốn chúng tôi làm được một con đường để góp phần tạo thuận lợi cho giao thông thành phố, nhưng cũng phải đảm bảo được yếu tố bảo tồn di tích. Còn có những ý kiến quá nghiêng về một phía, khăng khăng không được phép triển khai dự án mà cứ phải giữ nguyên trạng thì tôi cho rằng hơi cực đoan.

Đồng ý là chúng ta cần bảo tồn di sản văn hóa phải song song với phát triển nhưng nếu quá thiên về bảo tồn thì nếu việc mỗi lần qua nút giao thông này phải chịu cảnh khổ sở, thì ai sẽ chịu? Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ.

Dự kiến ban đầu của chúng tôi là xây cầu vượt với 5 nhịp cầu thép và 6 nhịp bê tông. Kết quả này được xây dựng dựa trên tính toán hiệu quả về mặt kinh tế và công năng sử dụng lâu dài. Nhưng có thể tới đây trong phương án tu chỉnh sẽ là hoàn toàn bằng cầu thép để đảm bảo trong tương lai nếu có khai quật di tích và cần điều chỉnh những gì liên quan tới cây cầu thì dễ xử lý.

Xin cảm ơn ông!

Theo Chinhphu.vn

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu