Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, thành phố có chủ trương giãn dân khu vực phố cổ.
Theo đó, khu đô thị mới Việt Hưng, Sài Đồng sẽ là nơi ở mới cho những hộ dân phải đi khỏi phố cổ.
UBND quận Hoàn Kiếm hiện đang xây dựng đề án di dân ra khỏi phố cổ, chủ trương của thành phố như thế nào thưa ông?
Chủ trương di dân ra khỏi phố cổ không phải là xuất phát từ mục tiêu xây dựng hay tái tạo lại cái gì mà chính là để giải quyết điều kiện ăn, ở của người dân phố cổ. Nếu mà cứ tiếp tục cuộc sống như hiện nay, người dân bám sát phố cổ và ở thành tầng tầng, lớp lớp trong cái nhà cổ bé thì không đủ điều kiện.
Cho nên chủ trương của thành phố là xem xét và vận động, tạo điều kiện cho nhân dân ở trong phố cổ có thể giãn dân để cải thiện hơn điều kiện ăn, ở của mình – mà cụ thể trước nhất là cải thiện về nhà ở.
Cụ thể sẽ giãn dân phố cổ ra khu vực nào thưa ông?
Trên cơ sở đó khi tiến hành quy hoạch thì thành phố để sẵn nơi mà khi giãn dân phố cổ, người dân có nhu cầu thì đến đó, là khu đô thị Việt Hưng.
Nhưng khu đô thị mới Việt Hưng cũng chỉ là một điểm, ngoài ra thành phố còn quy hoạch những điểm khác nữa, ví dụ như khu Sài Đồng. Quy hoạch di dân ra phía đó vì về địa lý gần với phố cổ hơn các khu khác.
Thành phố sẽ chi bao nhiêu tiền để thực hiện giãn dân?
Cái đó phụ thuộc vào đề án đang xây dựng. Nhưng tất nhiên Nhà nước chỉ hỗ trợ về quỹ nhà và quy hoạch quỹ nhà thôi còn điều kiện di chuyển, giao đất như thế nào thì phải theo quy định của luật pháp.
Còn lại trên cơ sở đề xuất của quận thì có thể có mấy cái hỗ trợ, thứ nhất là giá cả trong vấn đề nhà cửa; thứ hai là với những gia đình khó khăn thì có hỗ trợ kinh phí để di dời. Giãn dân trên cơ sở vừa vận động, thuyết phục đồng thời tạo điều kiện cho họ khi chuyển ra các khu đô thị mới.
Ở phố cổ chỉ cần vài mét vuông mặt đường là có thể nuôi sống cả gia đình, vậy Hà Nội có cơ chế tạo điều kiện kiếm sống cho người dân không, thưa ông?
Ở các khu đô thị mới thì khi quy hoạch đã để khu vực dành cho kinh doanh. Nhưng tôi cho là để thay đổi nghề nghiệp (kinh doanh, buôn bán - PV) của người dân trong phố cổ là khó vì đó là nghề truyền thống từ bao nhiêu năm nay rồi, nên thành phố có hướng là nếu ai có nhu cầu chuyển đổi nghề thì thành phố có hỗ trợ đào tạo học nghề.
(Theo KHĐS)