SearchNews

“Định hướng Đà Nẵng trở thành đô thị đặc biệt”

06/04/2014 15:27

Ngày 5/4, UBND TP Đà Nẵng chính thức công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày 5/4, UBND TP Đà Nẵng chính thức công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là lần thứ 3, Đà Nẵng công bố điều chỉnh quy hoạch chung.

Điều chỉnh phù hợp với hướng phát triển

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã có những nghiên cứu tích cực để phát triển một đô thị Đà Nẵng mang tính toàn diện và phù hợp với tình hình phát triển hiện nay.

Không gian đô thị, giao thông đô thị sẽ có sự thay đổi phù hợp với nhu cầu thực tế của sự phát triển. So với Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2020, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 có những điểm mới về tính chất, tầm nhìn, quy mô và hướng phát triển không gian.

Về tính chất, ngoài các tính chất là trung tâm kinh tế lớn, trung tâm văn hóa, thể dục - thể thao, đầu mối giao thông và có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, TP Đà Nẵng còn được xác định là đô thị du lịch.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng: Kể từ khi được công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương đã hơn 10 năm. Đà Nẵng liên tục phát triển, diện tích đô thị tăng gấp 2 lần, hạ tầng đô thị được đầu tư khang trong hiện đại.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2020 có nhiều vấn đề mới đặt ra. Một số dự án chưa được tiên liệu trong đồ án kỳ trước nhưng là nhu cầu thiết thực của xã hội.

Bên cạnh đó là sự cần thiết hình thành các khu đô thị, các điểm dân cư nông thôn mới, các khu du lịch nghỉ dưỡng, các thiết chế văn hóa, các khu công nghệ cao, khu vui chơi giải trí mới, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và một số đầu mối hạ tầng kỹ thuật quan trọng. Vì thế, việc điều chỉnh quy hoạch chung lần này đã đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong tình hình mới.

“Lần này có điều chỉnh rất mới, quy mô đô thị phát triển theo các hướng đa trung tâm và đặc biệt Thủ tướng phê duyệt đến năm 2050, định hướng Đà Nẵng trở thành đô thị đặc biệt. Chính vì vậy ngay bây giờ, Đảng bộ, nhân dân thành phố bắt tay cụ thể hóa điều chỉnh. Với đà phát triển thành phố qua 2 đợt điều chỉnh, chúng tôi tin tưởng thành phố phát triển tốt”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Ông Phạm Việt Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết thêm: Trước đây do quan niệm TP Đà Nẵng đã có khớp nối toàn bộ quy hoạch chi tiết nên không có chủ trương thực hiện các quy hoạch phân khu và quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Tuy nhiên, thời gian qua, từ hiện trạng phát triển đô thị và kết quả của các đơn vị thanh tra, kiểm toán cấp Nhà nước đã chỉ rõ TP Đà Nẵng chưa thể khẳng định việc khớp nối quy hoạch đô thị nên qua việc điều chỉnh đồ án quy hoạch chung lần này, TP Đà Nẵng sẽ thực hiện ngay việc quy hoạch các phân khu chức năng và quy hoạch hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm quy trình quản lý đô thị theo quy định.

Công tác triển khai quy hoạch và quản lý quy hoạch cũng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm để bảo đảm hơn nữa công tác an sinh xã hội. Sở Xây dựng chủ động tham mưu UBND thành phố và phối hợp với các ngành để quản lý và triển khai chặt chẽ các quy trình thực hiện giải tỏa, đền bù, đầu tư hạ tầng, tái định cư. Các đồ án quy hoạch chi tiết phải gắn liền với kế hoạch sử dụng đất, tiến độ thực hiện dự án.

Cụ thể, các chủ dự án phải có cam kết thực hiện theo tiến độ thỏa thuận để dự án không bị ngưng trệ kéo dài. Các dự án lớn phải có phân kỳ đầu tư để tránh tình trạng “treo” hoặc “treo cục bộ” ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Sự thay đổi lớn về quy mô, tính chất đô thị

Theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh của Chính Phủ, TP Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc Trung ương là Trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia. Đồng thời Đà Nẵng sẽ là đô thị trung tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Miền Trung và Tây Nguyên.

TP Đà Nẵng bao gồm 6 quận nội thành và 2 huyện Hòa Vang, Hoàng Sa với tổng diện tích 128.543ha. Trong đó diện tích phần đất liền là 98.043ha, phần diện tích quần đảo Hoàng Sa là 30.500ha. Cơ cấu sử dụng đất đô thị đến năm 2020 là 20.010ha, trong đó đất dân dụng khoảng 8.659ha.

Đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 37.500ha, trong đó đất dân dụng là 15.500ha. Phát triển các trung tâm thương mại tài chính và trung tâm du lịch lớn gồm: Trung tâm dịch vụ, thương mại, tài chính - ngân hàng có diện tích khoảng 130ha. Trung tâm dịch vụ du lịch có tổng diện tích khoảng 3.700ha.

Về định hướng phát triển không gian đô thị, TP Đà Nẵng được phân làm 7 phân vùng gồm: Khu vực đô thị cũ có diện tích khoảng 3.264ha. Khu ven biển Tây Bắc có diện tích khoảng 3.647ha. Khu ven biển phía Đông có diện tích khoảng 3.331ha. Khu vực phía Tây có điện tích khoảng 13.606ha. Khu vực bán đảo Sơn Trà: Có diện tích khoảng 4.439ha. Khu vực phía Nam có diện tích khoảng 9.075ha. Khu vực đồi núi phía Tây và huyện đảo Hoàng Sa: Có điện tích khoảng 91.181ha.

Quy mô dân số: Hiện trạng dân số năm 2012 khoảng 967 ngàn người trong đó dân đô thị khoảng 822 ngàn người. Dự báo đến năm 2020 dân số đạt khoảng 1,6 triệu người trong đó dân đô thị đạt 1,3 triệu người. Xác định đến năm 2030 dân số Đà Nẵng là 2.5 triệu người.

Về định hướng không gian phát triển công nghiệp, gồm các KCN tập trung như: KCN Liên Chiểu (370ha); KCN Hòa Khánh (423,5ha); KCN Hòa Khánh mở rộng với diện tích 124ha; KCN Hoà Cầm (136,7ha); KCN Dịch vụ Thuỷ sản Thọ Quang (77,3ha); Cụm công nghiệp Thanh Vinh (17,23ha).

Phát biểu tại Lễ Công bố, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng: Đồ án điều chỉnh lần này có ý nghĩa rất quang trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển bền vững TP Đà Nẵng.

Đồng thời đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý đầu tư xây dựng phát triển đô thị và phát huy mạnh mẽ có hiệu quả hơn nữa mọi tiềm năng, thế mạnh của thành phố vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đây chỉ mới là kết quả bước đầu. Để Quy hoạch đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực còn nhiều việc phải làm và cũng không ít khó khăn đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Ông Chiến cũng đã yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện quyết tâm cao để thực hiện tốt việc quản lý và triển khai quy hoạch có hiệu quả theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép ảnh hưởng đến quy hoạch chung của thành phố.

Theo Baoxaydung

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu