SearchNews

Dọn đất, mời nhà đầu tư

27/10/2006 08:40

Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM vừa trình UBND TP đề xuất giao đất mới, theo đó Sở sẽ đền bù và thu hồi đất rồi bàn giao cho nhà đầu tư thay vì nhà đầu tư tự tìm đất và đền bù. Ông Võ Công Lực, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố trao đổi về vấn đề này.

Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM vừa trình UBND TP đề xuất giao đất mới, theo đó Sở sẽ đền bù và thu hồi đất rồi bàn giao cho nhà đầu tư thay vì nhà đầu tư tự tìm đất và đền bù. Ông Võ Công Lực, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố trao đổi về vấn đề này.

- Phương thức giao đất do sở đề xuất có gì mới?

- Hiện nay các chủ đầu tư thường chủ động tìm vị trí, sau khi thỏa thuận đền bù xong với người dân mới được Nhà nước giao đất. Cách làm này còn manh mún, khó kết nối hạ tầng khu vực xung quanh. Tự thỏa thuận có ưu điểm là giá đền bù thực hiện trên cơ sở tự nguyện của 2 bên nhưng cách làm này cũng phát sinh nhiều vấn đề trong thực tế: cùng một dự án nhưng giữa các hộ giá đền bù lại khác nhau, phát sinh khiếu kiện; một số trường hợp không thỏa thuận được dẫn đến dự án “treo”.

Trước mắt, phương thức này vẫn áp dụng với các dự án kinh doanh địa ốc do các công ty tư nhân thực hiện. Sẽ có hai hình thức giao đất: doanh nghiệp tự thỏa thuận đền bù với người dân, sau đó Nhà nước thu hồi đất như hiện nay.

Tuy nhiên, chúng tôi không khuyến khích cách làm này và Nhà nước cũng không can thiệp trong việc đền bù, giải tỏa. Hình thức thứ hai là giao đất qua Trung tâm Phát triển quỹ đất. Chủ đầu tư chỉ cần đưa ra những yêu cầu về vị trí khu đất, quy mô dự án... trung tâm sẽ đáp ứng. Ngoài ra trung tâm sẽ “chào hàng” các khu đất trống có sẵn qua sàn giao dịch... để các nhà đầu tư chọn lựa.

- Làm thế nào để có thể bổ sung thêm quỹ đất?

- Để tạo ra quỹ đất, thành phố sẽ dùng nguồn vốn ngân sách, vốn vay và vốn ứng trước của các doanh nghiệp để đền bù, giải tỏa. Sau đó đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất hoặc bán chỉ định cho chủ đầu tư theo giá thị trường.

Riêng nguồn vốn ứng trước của doanh nghiệp thì sau khi giải tỏa sẽ bán chỉ định cho doanh nghiệp đó theo giá thị trường. Giá trị khu đất một phần cấn trừ vào số vốn ứng trước, có tính lãi suất ngân hàng, phần còn lại doanh nghiệp tiếp tục trả. Trường hợp chủ đầu tư không đồng ý mua thì đưa ra đấu giá và hoàn trả tiền mà doanh nghiệp đã ứng; hoặc chia phần giá trị tăng lên của đất sau khi đền bù tương ứng với số tiền đã góp.

- Người dân không được thỏa thuận giá với chủ đầu tư, vậy quyền lợi có bị ảnh hưởng?

- Dù đền bù qua trung tâm nhưng giá cả phải thỏa đáng, phù hợp theo nguyên tắc sát giá thị trường. Đây là yếu tố đầu tiên đảm bảo tính khả thi.

- Với nhu cầu rất lớn của các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc, liệu trung tâm có đủ quỹ đất để đáp ứng?

- Hiện trung tâm có khoảng 2.600 ha đất tại các quận huyện, được UBND TP đồng ý chủ trương và chúng tôi đang làm các thủ tục giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Vừa qua, năm đoàn kiểm tra sử dụng đất của Sở Tài nguyên - Môi trường tiếp tục rà soát các trường hợp sử dụng đất, kho bãi... sai mục đích tại các quận huyện để đề xuất thành phố thu hồi. Đây sẽ là nguồn bổ sung cho quỹ đất của trung tâm, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

- Các doanh nghiệp, đối tượng chính của đề án này, có được góp ý trước khi ban hành?

- Nếu UBND TP thông qua chủ trương, dự kiến trong tháng 11/2006 chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo và mời các doanh nghiệp, sở ngành liên quan nghe góp ý... để hoàn thiện đề án, trước khi trình UBND TP ban hành chính thức

(Theo Tuổi Trẻ)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu