Đồ án “quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050” do nhà thầu tư vấn PPJ (liên doanh Mỹ và Hàn Quốc) xây dựng chưa chứng minh được diện mạo Thủ đô sẽ khang trang hơn…
Đây là ý kiến của đông đảo nhà khoa học, kiến trúc quy hoạch tại cuộc hội thảo “Đóng góp ý kiến vào quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH$KT) Hà Nội tổ chức hôm qua tại Hà Nội.
Vội vàng, thiếu cơ sở khoa học
Tháng 12/2008, PPJ chính thức ký hợp đồng tư vấn quốc tế lập quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội với Bộ Xây dựng. Tổng giá trị hợp đồng khoảng 230 tỷ đồng. Theo thời gian quy định, tháng 12/2009, đồ án sẽ được thẩm định lần cuối để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy thời gian để xây dựng đồ án này chỉ có một năm. Theo Giáo sư (GS), tiến sĩ (TS) khoa học, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam: “Một năm để thực hiện công việc lớn như vậy là quá vội vàng…”
Theo đồ án, Hà Nội mở rộng sẽ trở thành Thủ đô bền vững hàng đầu của thế giới với bốn yếu tố cần chú ý đó là: đất đai, di sản, con người, phát triển. Tuy nhiên, theo GS Trương Quang Học, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Cần làm rõ nội hàm của các tiêu chí này. Nếu chỉ nói chung chung thì quy hoạch vẫn chỉ nằm trên giấy mà thôi, và diện mạo lộn xộn sẽ vẫn nguyên lộn xộn”.
TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội lại tỏ ra băn khoăn: “Hiện, quy hoạch kinh tế xã hội của thành phố Hà Nội mở rộng đang xây dựng, tốc độ kinh tế như thế nào cũng chưa rõ. Các quy hoạch ngành mới đang nghiên cứu, thoát nước đang hoàn thiện giai đoạn II, nông nghiệp, mạng lưới bán lẻ, giáo dục… cũng đang nghiên cứu. Vậy mà đã có quy hoạch chung để duyệt thì dựa trên cơ sở nào?”.
Nhiều nhà khoa học cũng không đồng tình với đề xuất ban đầu của tư vấn nước ngoài về vị trí đặt Trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì. Theo GS - TS Vũ Hoan, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học & kỹ thuật (LHH) Hà Nội, nên lấy khu Ba Đình làm điểm tựa để phát triển rộng về hướng có được sự hội tụ đầy đủ điều kiện về địa chính trị, địa kinh tế và địa sinh học.
Quy hoạch còn thiếu sót
Trong khi đó, các yếu tố tự nhiên trong quy hoạch Hà Nội cũng còn nhiều thiếu sót. “Biểu hiện của biến đổi khí hậu đã rõ ràng và Hà Nội là địa phương bị hứng chịu khá nặng nề song quy hoạch đồ án lại chưa tính toán đến yếu tố này”, GS Trương Quang Học nhấn mạnh.
GS - TS Vũ Hoan, Phó Chủ tịch LHH Hà Nội cũng nêu: “Trong đồ án chỉ nói tới 5 hệ thống sông: Sông Hồng, sông Đà, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy, trong khi còn có cả sông Lừ, sông Sét, Tô Lịch và Kim Ngưu”. Riêng về sông Hồng các nhà khoa học nhận định, đồ án lại chỉ đưa ra biện pháp chỉnh trang. Các nhà khoa học cũng thống nhất, sẽ có ý kiến lên lãnh đạo thành phố và Chính phủ để tránh chuyện “việc đã rồi”.
Đồ án đưa ra ba phương án cho Trung tâm hành chính Quốc gia: một là ở Đông Anh, hai ở khu vực giữa sông Đáy và sông Tích, ba là khu Ba Vì. Đồng thời đưa ra ý tưởng sẽ xây dựng hành lang xanh cho Thủ đô Hà Nội. Cụ thể, phương án A sẽ tạo một hành lang xanh rộng 10 - 12 km và khu vực hai thành phố vệ tinh lớn.
Phương án B, trung tâm hành chính quốc gia là xúc tác cho thành phố mới, các thành phố vệ tinh hoặc các chuỗi đô thị xung quanh. Hai phương án này đưa ra ý tưởng phát triển 60% hành lang xanh và 40% phát triển đô thị… đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của thành phố đạt 10 triệu dân vào năm 2030.
(Theo Đất Việt)