Bài toán giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân tỉnh lẻ vốn ngày càng khó khăn.
Thăm dò một số gia đình trẻ đang ở thuê trong các xóm trọ ở Hà Nội, điều nhận thấy là hầu hết các gia đình đều lựa chọn những căn phòng có diện tích lớn nhất cũng chỉ khoảng 25m2 giá thuê là 3 triệu đồng ở những khu vực xa trung tâm như Vĩnh Tuy, Lĩnh Nam, Từ Liêm, Cổ Nhuế.
Các gia đình đều có con nhỏ kèm theo người thân nên sống rất chật chội. Nếu để tự lực cánh sinh thì những gia đình có thu nhập trung bình hoặc thấp mua được nhà là điều không tưởng. Hầu hết những hộ gia đình mua được nhà đều là nhờ sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè.
Chị Nam và anh Giang là một ví dụ điển hình, công việc của hai người đều có thu nhập không cao, vất vả tìm một thời gian mới được một phòng khép kín nằm trong dãy trọ 7 phòng, diện tích chỉ 20m2, nhà vệ sinh và chỗ nấu nướng là 4m2. Có con 2 tuổi nên vẫn phải nhờ bà ngoại lên trông nom vì không có tiền thuê giúp việc hoặc gửi đi trẻ cũng tốn một khoản không kém. Bốn con người, tính ra mỗi người chưa nổi 4m2 chưa kể đồ đạc, vật dụng cơ bản phải sắm, và cách anh chị xoay xở trong chừng ấy mét vuông là không kê giường, trải chiếu xuống nền nhà, sắm thêm một chiếc riđô căng giữa.. Chị nói: “chật chội là vậy nhưng vẫn phải chấp nhận vì không còn sự lựa chọn nào khác. Đang cố gắng tiết kiệm chút ít rồi vay mượn thêm họ hàng bạn bè để sắm một căn nhà dù nhỏ nhưng ổn định hơn”.
Anh Đạt và chị Hằng thì may mắn hơn, lập gia đình vào năm 2010 đến nay chị đang có thai tháng thứ 5. Vì lo sợ cảnh vợ chồng con cái phải chui rúc chật chội trong căn phòng chưa nổi 20m2, quan trọng nhất là ảnh hưởng tới sức khoẻ em bé nên có chút tiền tiết kiệm cộng với hai bên nội ngoại cho hơn 1 tỉ, thêm bạn bè hỗ trợ thì có 2 tỉ, anh chị tập trung tìm trong thời gian nhanh nhất để có nhà trước khi vợ sinh.
Sau khi len lỏi khắp ngóc ngách anh chị quyết định mua ngôi nhà cấp 4 ở Đại Mỗ - Từ Liêm với giá 1, 9 tỉ và chấp nhận sửa chữa lại toàn bộ vì khi mua nhà đã xuống cấp quá nửa. Khi được hỏi tại sao không lựa chọn nhà chung cư mini anh nói “chung cư mini giá cũng phải trên 1 tỉ nhưng thiết kế rất bất tiện, cầu thang chật hẹp, giấy tờ sở hữu nhà khó khăn, không có thiết bị phòng cháy. Nói tóm lại là không cảm thấy phù hợp, nếu không có tiền mua hẳn chung cư lớn thì nên mua nhà mặt đất cho an toàn”
Chị Hoa chia sẻ “mình làm cho công ty kiến trúc, lương 5 triệu, chồng làm ở bệnh viện lương cũng chỉ 3,5 triệu một tháng. Cuối năm ngoái có ông bác mách ngôi nhà trong khu Vĩnh Hưng, 2 tầng tổng diện tích 25m2 (mỗi tầng 12,5m2) giá 800 triệu, nhỏ nhưng được cái giấy tờ sổ đỏ rõ ràng, nhanh gọn nên mua luôn. Dù phải vay mượn và lại đang có em bé nhưng cũng vui, có vậy mới mua được nhà chứ để đủ tiền thì chắc không bao giờ”
Cũng trong hoàn cảnh này mà nhiều gia đình vạch kế hoạch kinh doanh bất đắc dĩ. Tích góp trong 3 vợ chồng chị Linh mua được mảnh đất ở Từ Liêm với giá 500 triệu đồng, khi có sổ đổ cắm luôn để vay ngân hàng xây một căn nhà nhỏ diện tích đất còn lại để xây phòng trọ cho thuê, khi trả xong nợ mua thêm mảnh đất khác đợi khi được giá thì bán, cứ thế cho đến nay từ cảnh đi ở thuê hiện gia đình chị đã có một ngôi nhà 3 tầng khang trang tại mảnh đất mua đầu tiên. Để được như ngày hôm nay cũng phải trải qua thời gian không ngắn nhưng chị cũng nhận định có lẽ gia đình chị may mắn vì việc mua bán đất không phải lúc nào cũng thuận lợi và có lãi.
Đó là với những người có thu nhập ổn định còn đối với các cặp vợ chồng là công nhân, gia đình ở quê cũng không có điều kiện kinh tế thì chuyện mua nhà là điều không tưởng. Trong họ đều có suy nghĩ chỉ bám trụ ở thành phố một vài năm khi có con thì về quê lập nghiệp hoặc vợ về quê sinh con còn chồng tiếp tục làm việc trên này.
Anh Huy, chị Tuyển quê ở Bắc Giang cùng làm công nhân trong nhà may tư nhân nhỏ. Anh là thợ cắt, lương 3,5 triệu, chị là thợ may ăn theo sản phẩm nên không ổn định cao thì 4 triệu/tháng, thấp thì 2 triệu/tháng. Khi cưới anh chị tính khi sinh em bé chị sẽ về quê còn anh tiếp tục làm việc, khi có điều kiện thích hợp sẽ chuyển cả về quê mở một hiệu may để làm ăn.
Mai Hà