Được triển khai từ tháng 6/2013 đến nay, việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ để hỗ trợ cho người dân vay mua nhà ở xã hội và doanh nghiệp đầu tư xây dựng quỹ nhà này… hiện đạt rất thấp. Vậy đâu là nút thắt?
Trao đổi với PV sáng 19/8, ông Phan Thành Mai – Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết: Hiện các ngân hàng mới giải ngân được khoảng 30 – 40 tỷ đồng trong tổng gói tín dụng với khoảng 150 hồ sơ được giải quyết. Bên cạnh đó mới có 2 dự án thụ lý được nguồn giải ngân. Kết quả thực hiện trên còn khá nhỏ trước nhu cầu lớn của người dân.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Hữu Cường – Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội: Trong cuộc họp cách đây hai ngày mà ông tham gia với Ngân hàng nhà nước, phía ngân hàng cho biết nguồn vốn cho vay đã chuẩn bị sẵn sàng. Các ngân hàng thương mại cũng đã ra quân đồng loạt và cam kết hỗ trợ để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh được nguồn vốn. Vấn đề giải ngân thấp không nằm ở việc thiếu vốn mà là do mắc ở thủ tục.
Đó là việc vừa qua chính quyền các địa phương đã “đứng ngoài cuộc” việc xác nhận cho người dân vay mua nhà (diện tích sử dụng dưới 8 m2, chưa có nhà ở địa phương)…nên ngân hàng không thể phê duyệt được các hồ sơ.
|
Khu nhà ở xã hội Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông. |
Nhằm gỡ nút thắt này, mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn 1550/BXD-QLN ngày 26/7/2013 gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Nghi quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về vay vốn hỗ trợ nhà ở.
Theo đó, Bộ Xây dựng đã hướng dẫn việc đối với hộ gia đình, cá nhân: UBND xã (phường) xác nhận thực trạng nhà ở (số thành viên trong hộ gia đình và diện tích nhà ở) tại địa chỉ mà người xin xác nhận có đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú và thực tế đang sinh sống tại đó.
Người đứng đơn xin xác nhận về thực trạng nhà ở phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu đã có nhà ở khác trong địa giới hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án nhà ở mà người đứng đơn muốn vay vốn để thuê, mua nhà ở.
UBND xã (phường) tổ chức thực hiện việc xác nhận hộ khẩu và thực trạng nhà ở theo quy định tại Thông tư số 07/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng, không để trường hợp người dân đến nhưng không được xác nhận mà không có lý do.
Riêng đối với tổ chức là doanh nghiệp, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương ban hành các quy định cụ thể nhằm giảm thiểu các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chuyển đổi công năng dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội theo quy định tại Thông tư số 02/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, dù Bộ Xây dựng đã có công văn hướng dẫn, nhưng để các địa phương “xắn tay” vào thực hiện cũng còn mất thêm một thời gian nữa. Theo đó, hành trình giải ngân gói 30.000 tỷ vẫn còn có thêm “đoạn trường”.
Hiện một số chuyên gia cũng đang kiến nghị, Bộ Xây dựng – Ngân hàng Nhà nước nên nhanh chóng lập tổ công tác liên ngành để rà soát những thủ tục còn vướng mắc cũng như xử phạt những khâu làm sai, làm chậm. Ví như, người dân phải chịu trách nhiệm nếu gian dối trong làm đơn vay mua nhà ở xã hội; cơ quan công quyền, ngân hàng… nếu gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân cũng sẽ bị xử lý nghiêm. Có như thế mới hy vọng nhanh chóng đưa gói 30.000 tỷ đồng vào cuộc sống.
Theo Hanoimoi