SearchNews

Gian nan thuê nhà qua mạng

04/09/2009 08:32

“Cho thuê phòng ở ghép, ưu tiên nam sinh viên, gần khu vực trung tâm, đi lại thuận tiện. Liên lạc số điện thoại 0982xxxxxx”. Tuy nhiên, sau khi gặp chủ nhân số điện thoại trên, ai cũng đều té ngửa: một gã pê-đê muốn kiếm “bạn tình”.

“Cho thuê phòng ở ghép, ưu tiên nam sinh viên, gần khu vực trung tâm, đi lại thuận tiện. Liên lạc số điện thoại 0982xxxxxx”. Tuy nhiên, sau khi gặp chủ nhân số điện thoại trên, ai cũng đều té ngửa: một gã pê-đê muốn kiếm “bạn tình”.

Trung tâm lừa, tin nhắn cũng lừa

“Cho sinh viên nữ thuê phòng, đường Trần Văn Đang (quận 3) thuận tiện đi vào quận 1. Giá 700k–800k. L/H: 0946xxxxxx”. Sau khi đọc thông tin cho thuê phòng này trên trang muaban.net, Nguyễn Thanh Tuyền, sinh viên trường Đại học KHXH&NV đã gọi điện để hỏi địa chỉ cụ thể. Nhưng khi đến nơi, Tuyền lại thấy đây là trung tâm môi giới chứ không phải nhà trọ như lời rao. Gọi là trung tâm nhưng thực chất, đây chỉ là một căn phòng cũ kĩ, phía trước đặt hai tấm bảng danh sách đã được “bôi” chi chít thông tin về những căn phòng, ngôi nhà cho thuê hoặc bán.

Một cô nhân viên trẻ, giới thiệu những căn phòng đã được chụp hình sẵn và nhanh nhảu chào mời: “Phòng đẹp, an ninh, giá tốt, chị thuê ngay đi không là người khác thuê mất đó”. Thấy Tuyền còn do dự, một nam nhân viên của trung tâm tỏ vẻ chuyên nghiệp, rút trong ngăn bàn ra một xấp biên lai rồi yêu cầu Tuyền đóng phí 200.000 đồng và giải thích đây là công dẫn đi xem phòng trọ, trung tâm sẽ cho người dẫn khách hàng đi đến lúc nào có phòng trọ ưng ý mới thôi.

Ngoằn ngoèo qua nhiều con hẻm nhỏ của quận 3, Tuyền được nhân viên trung tâm dẫn đến một căn phòng gần khu vực ga Sài Gòn. Phòng chỉ rộng khoảng 6m2 nhưng giá thuê lên tới 1 triệu đồng/tháng. Sau khi Tuyền từ chối, nhân viên trung tâm tiếp tục dẫn đi xem căn phòng khác.

Căn phòng lần này có giá 1,2 triệu đồng/tháng nhưng sạch sẽ và rộng gấp đôi căn phòng trước đó đã xem. Chưa kịp mừng, nhân viên của trung tâm đã phủ đầu: “Phòng này chủ nhà yêu cầu đóng tiền cọc hai tháng, nếu vào ở phải đóng ngay 3,6 triệu, lúc nào chuyển đi thì lấy lại”. Nhắm thấy không thể đáp ứng yêu cầu tiền cọc quá nhiều như vậy, đồng thời cũng xót 200.000 tiền phí môi giới, Tuyền ráng đi theo nhân viên trung tâm để tìm cho ra căn phòng vừa ý.

Lần này lại là một căn phòng cũng sạch sẽ, lối đi riêng nhưng mặt tiền… đường sắt. Nghĩ đến cảnh phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để thuê phòng trong khi đêm nào cũng phải mất ngủ vì tiếng còi tàu hỏa, Tuyền quyết định bỏ cuộc. Trước khi đi về nhân viên trung tâm còn ngon ngọt: “Mai rảnh quay lại trung tâm anh dẫn đi tìm phòng tiếp nhé”.

Trên nhiều website còn có thông tin cho thuê nhà nhưng yêu cầu người thuê phải nhắn tin đến một số điện thoại nào đó để nhận địa chỉ. Phí trả cho những tin nhắn này là 15.000 đồng/tin. Trúc, sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM bức xúc cho biết đã từng tốn 60.000 đồng/4 tin nhắn để lấy địa chỉ của một căn phòng mà chủ nhà không hề đăng tin cho thuê.

Theo lời Trúc, người viết tìm thông tin trên trang muabanthue.com, hàng loạt thông tin cho thuê tương tự: “Phòng tập thể Q.10, 15-18 m2, 2-3 người ở, sạch đẹp, khu văn hoá, hẻm thoáng, lối đi riêng, có chỗ để xe, nấu ăn, 600-700k/người/tháng. Để biết địa chỉ cụ thể và số điện thoại của chủ nhà, vui lòng soạn tin: VG NHABAN 0142 gửi 8727”.

Thử làm theo, lần thứ nhất, tôi mất 15.000 đồng trong khi tổng đài 8727 nhắn lại một tin có nội dung “Tin nhan ban gui chua chinh xac, vui long nhan lai voi cu phap đung hon”. Dù đã thử lại thêm ba lần nữa, vẫn chỉ nhận lại tin nhắn có nội dung như trên.

Chưa dừng lại ở đó, nhiều tin rao cho thuê nhà trên mạng còn là mồi nhử do những kẻ lừa đảo đăng lên. Sau khi đọc tin rao cho thuê nhà trên trang muavaban.com, Hưng, tân sinh viên trường Đại học Kiến trúc TP.HCM liền tìm đến một căn phòng nằm sâu trong hẻm đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Quận Bình Thạnh). Đợi sẵn ở cổng dãy nhà trọ, chị chủ nhà đon đả tiếp thị: “Chị mới đăng tin, nhiều người cũng gọi điện hẹn đến xem phòng rồi, phòng được lắm, em xem thấy được thì đặt cọc giữ phòng chứ không người khác thuê mất”.

Thấy phòng đẹp, giá cả cũng hợp lý, Hưng đặt cọc trước một triệu. Đến ngày chuyển tới, Hưng té ngửa khi thấy căn phòng mình thuê đã có người ở. Hỏi ra mới biết, “chủ nhà” hôm trước chỉ là một người ở trọ. Nhân lúc chuẩn bị chuyển đi, chị ta đã bày trò làm “chủ nhà” để lừa một số người. Ngoài Hưng ra, hai sinh viên khác cũng là nạn nhân của trò lừa vốn được liệt vào dạng “cổ điển” này.

Chủ nhà và những “bệnh” khó ưa

Hiện nay, việc đăng thông tin rao thuê phòng trọ, thuê nhà trên một số website như muaban.net, rongbay.com, batdongsan.com… cực kỳ đơn giản. Một mặt điều này tạo ra sự sôi động, thuận lợi cho thị trường địa ốc ở phân khúc thấp, nhưng mặt khác, nó bị không ít kẻ lợi dụng để phục vụ cho mục đích xấu của cá nhân.

“Cho thuê phòng ở ghép, ưu tiên nam sinh viên, gần khu vực trung tâm, đi lại thuận tiện. Liên lạc số điện thoại 0982xxxxxx”. Tin rao này đăng trên website raovat.com khiến nhiều người có nhu cầu tìm phòng mừng húm. Tuy nhiên sau khi gặp chủ nhân số điện thoại trên, ai cũng đều té ngửa: một gã pê đê muốn kiếm “bạn tình”.

Hoàng, sinh viên trường KHTN, nạn nhân của vụ việc trên kể lại, khuôn mặt liên tục nhíu mày và nhăn nhó: “Ông chủ phòng này khoảng 32-34 tuổi thôi, giới thiệu tên là Bắc, chưa có vợ. Ông ta tâm sự cả nửa tiếng đồng hồ về vấn đề cảm xúc của ông ấy khi ở cạnh đàn ông như thế nào, rồi việc nếu có lấy vợ cũng chỉ là ngụy trang thôi. Chỉ cần em đồng ý, chúng ta sẽ sống thật hạnh phúc, tiền bạc nhà cửa anh lo cho, không cần phải bận tâm. Vừa nói, ông ta còn xoa xoa vào lưng em nữa”.

Nói đến đó, Hoàng giơ cánh tay ra bảo tôi: “Nhắc lại chuyện đã qua mà em vẫn nổi da gà”. Khi tôi hỏi vui: “Có chỗ trọ miễn phí thế tốt quá sao em không ở?”, cậu sinh viên này chắp hai tay lại như tế sao, thốt ra một tràng ngôn ngữ tuổi teen: “Dạ, lạy hồn, cho em xin hai chữ… bình yên”.

Trong một tình huống dở khóc, dở cười khác, Minh Quyên, sinh viên Trường ĐH Hồng Bàng, TP.HCM tìm được một phòng đăng tin tìm nữ để ở ghép. Khi Quyên đến, căn phòng đã có đến bốn người ở và toàn là nam. Bốn anh chàng đang cởi trần trùng trục ngồi đánh bài, thấy Quyên, anh nào cũng chào hỏi ân cần và mời cô gái tội nghiệp vào xem phòng. Sau khi xem hết từ gác lửng cho đến nhà vệ sinh, cô gái thấy rất ưng căn phòng nên quay sang hỏi: “Lúc nào em chuyển đến được?”, một anh chàng cười gian xảo và nói: “Ngay bây giờ, tùy em”.

Thấy có vẻ nghi ngờ, giọng Quyên bắt đầu hơi gắt: “Thế lúc nào các anh chuyển đi?”, một gã trong bọn lại tiếp tục diễn trò: “Ở chung không được à?”. Biết đã mắc mưu những kẻ dở hơi, rảnh rỗi, Quyên quay trở ra một mạch, sau lưng là những tràng cười hả hê. Trở về ký túc xá, Quyên tự nhủ, thà ở ký túc xá suốt đời sinh viên còn hơn đi tìm phòng trọ mà lâm vào tình huống vừa rồi.

Nhưng oái oăm thay, sự việc chưa dừng ở đó. Trong lúc tìm phòng, Quyên đã gọi điện nên bốn “ông dở hơi” kia biết số điện thoại của cô. Nhiều ngày sau, những cái nhá máy, những tin nhắn tục tĩu cứ nhằm lúc nửa đêm mà dồn dập tới. Dù đã lịch sự trả lời và yêu cầu những người này đừng chọc phá nữa nhưng cuối cùng, tình hình vẫn như cũ, Quyên quyết định… thay SIM.

Thời điểm hiện nay, khi hàng ngàn tân sinh viên các tỉnh đổ về TP.HCM nhập học, số lượng tin rao cho thuê nhà, thuê phòng cũng tăng đột biến trên các website địa ốc, trong đó không ít tin là “mồi nhử” khiến khách hàng “tiền mất tật mang”. Nếu không tìm hiểu kỹ, nhiều bạn trẻ vì nôn nóng muốn tìm được nơi tá túc sẽ vô tình trở thành nạn nhân của những bẫy lừa như đã kể trên.

(Theo ZÍCH ZẮC/e-CHÍP)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu