SearchNews

Giấy đỏ, giấy hồng được gộp thành một

28/05/2009 21:39

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (giấy đỏ và giấy hồng) sẽ được “hợp nhất” thành “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (giấy đỏ và giấy hồng) sẽ được “hợp nhất” thành “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”.

>> Sổ đỏ sẽ gộp vào sổ hồng

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chịu trách nhiệm phát hành mẫu giấy chứng nhận thống nhất trong cả nước.

Ở địa phương, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận vẫn do UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện thực hiện, như Luật hiện hành. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn giúp việc làm đầu mối nhận hồ sơ và thực hiện các thủ tục sẽ là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (thuộc cơ quan quản lý đất đai ở địa phương).

Hiện, nhiệm vụ đầu mối này được giao cho cơ quan quản lý nhà ở thuộc UBND, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc cơ quan quản lý đất đai. Ngoài ra, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh còn được UBND cùng cấp uỷ quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chịu trách nhiệm phát hành mẫu giấy chứng nhận thống nhất trong cả nước.

Những quy định trên trong dự thảo Luật nhận được sự đồng tình của Ủy ban Kinh tế của QH. Theo ủy ban nay, việc ra đời hai loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (giấy đỏ và giấy hồng) và do hai đầu mối (cơ quan quản lý đất đai và cơ quan quản lý nhà ở) thực hiện đã gây nhiều phiền hà cho người dân và các nhà đầu tư, trong khi nhà và đất cũng như các tài sản trên đất đều luôn luôn gắn chặt chẽ với nhau.

Mặt khác, việc thống nhất cấp một loại giấy và giao cho một cơ quan làm đầu mối thực hiện sẽ có điều kiện xác định chính xác hơn quyền của tổ chức, cá nhân, hạn chế tranh chấp có thể phát sinh, góp phần giải quyết những vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tạo điều kiện thực hiện các quyền của chủ đầu tư như quyền thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản.

Chưa nhất trí về tiêu chí công trình quan trọng quốc gia

Trong báo cáo thẩm tra về dự Luật trên, Ủy ban Kinh tế của QH chưa nhất trí về tiêu chí dự án đầu tư xây dựng quan trọng quốc gia có sự quyết định của Thủ tướng Chính phủ và việc Chính phủ quy định thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình còn lại.

Theo dự thảo Luật, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư các dự án đầu tư xây dựng quan trọng quốc gia có sử dụng vốn Nhà nước sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế QH cho rằng, tiêu chí như vậy chưa đầy đủ, vì quy mô và nguồn vốn chỉ là một trong 5 tiêu chí quy định về dự án, công trình quan trọng quốc gia theo Nghị quyết 66/2006/QH11 của Quốc hội. Các tiêu chí khác còn gồm: quy mô di dân, tác động môi trường, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh hoặc di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa và cơ chế, chính sách đặc thù. Ngoài ra, khái niệm “vốn nhà nước” hiện nay còn chưa thống nhất trong các luật.

Ủy ban này cũng cho rằng, các dự án, công trình quan trọng quốc gia nếu Chính phủ quy định thẩm quyền quyết định đầu tư cho các Bộ, UBND cấp tỉnh thì khó khả thi vì dự án, công trình quan trọng quốc gia liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Theo quy định, Quốc hội chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia. Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, cần phải có văn bản hành chính nhà nước, cụ thể là quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì chủ trương đầu tư mới có thể triển khai thực hiện.

Sáng nay, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản:

- Ông nhận xét gì về quy định trong dự thảo luật là giao Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (thuộc cơ quan quản lý đất đai ở địa phương) là cơ quan đầu mối cấp giấy chứng nhận?

- Trước hết, cần có một tổ chức, bộ máy, nhân lực đủ trình độ để làm việc đó. Người làm công việc đó cũng phải đề cao lương tâm và trách nhiệm của mình. Nếu không đề cao trách nhiệm, lương tâm không trong sáng thì dù việc nhỏ cũng không làm tốt.

- Làm thế nào để tránh việc cơ sở sách nhiễu người dân khi đi làm thủ tục giấy tờ nhà đất?

- Vẫn phải thừa nhận một thực tế là luật lệ và thực hiện vẫn còn một khoảng cách. Để việc thực hiện và luật lệ sát lại với nhau thì vấn đề quan trọng nhất là lương tâm và trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức được giao quyền năng này.

- Ông đánh giá thế nào về việc Chính phủ đề nghị giao quyền chỉ định thầu cho Chính phủ?

- Tôi vẫn nói chỉ định thầu hay đấu thầu thì vấn đề cốt lõi vẫn là lương tâm và trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân. Nếu lương tâm của họ không đầy đủ thì chỉ định thầu cũng phát sinh nhiều vấn đề. Đấu thầu cũng vậy.

- Trong các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ QH, có đại biểu cho rằng chỉ định thầu sẽ dẫn đến tình trạng chạy dự án còn đấu thầu thì có tình trạng quân xanh quân đỏ. Theo ông có cách nào để khắc phục sự bất cập này?

- Trước hết tôi vẫn nói là lương tâm và trách nhiệm. Thứ hai là phải tăng cường thanh tra, giám sát và thứ ba là trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền xử lý vi phạm.

Chỉ định thầu mà không đề cao lương tâm và trách nhiệm thì sẽ phát sinh tiêu cực. Việc đấu thầu cũng vậy, sẽ phát sinh tiêu cực dưới dạng quân xanh quân đỏ và dẫn đến hiệu quả không tốt, không đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân trong đầu tư xây dựng cơ bản.

- Trong việc đấu thầu các dự án lớn vừa qua có hiện tượng nhiều nhà thầu nước ngoài tham gia và trúng thầu. Sau khi trúng thầu họ thường mang theo các máy móc từ nước họ sang mà không sử dụng các thiết bị ở Việt Nam cũng có. Tại sao vậy?

- Tùy theo quy mô và tính phức tạp của các công trình. Có những công trình quy mô lớn, phức tạp mà phía nhà thầu Việt Nam không thực hiện được mà nhu cầu phát triển kinh tế xã hội buộc phải làm thì mình cũng phải chấp nhận. Tuy nhiên phải có những hợp đồng hết sức chặt chẽ và giám sát chặt quy định trong các cam kết.

- Tại sao chúng ta không tự làm?

- Cái đó phải hỏi Chính phủ. Phải rà soát lại xem những công trình nào đang được triển khai mà trong nước đủ năng lực thực hiện nhưng vẫn giao cho nhà thầu nước ngoài tham gia thì cần phải có sự điều chỉnh. Việc điều chỉnh này một mặt giải quyết công ăn việc làm của người lao động trong nước đồng thời giúp cho doanh nghiệp, kinh tế phát triển.

- Cảm ơn ông.

(Theo Đất Việt)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu