Nghị quyết 02 của Chính phủ được ban hành đầu năm 2013, khi thị trường còn đang trong đáy của cuộc khủng hoảng kéo dài từ giữa năm 2011. Trong đó có một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giải quyết nợ xấu.
Nhằm thực hiện được mục tiêu này, Nghị quyết đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước dành một lượng vốn hợp lý cho một số đối tượng được vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội, cũng như nhà thương mại.
Người mua cũng như doanh nghiệp trên thị trường đã kỳ vọng đây sẽ trở thành biện pháp kích cầu hiệu quả, giải quyết hàng trăm tỷ đồng tồn kho bất động sản, kiềm hãm giá nhà đất.
Theo đó, 70% ngân sách gói hỗ trợ được dành cho những người thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội và thuê mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Thời hạn vay tối đa là 10 năm.
Doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp nhà thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội cũng thuộc diện vay ưu đãi với tối đa 30% còn lại của gói 30.000 tỷ đồng.
Chính sách này có hiệu lực từ tháng 6/2013 trong sự kỳ vọng từ phía người dân cũng như cơ quan quản lý, song gói tín dụng đã nhiều lần phải điều chỉnh từ điều kiện, đối tượng vay vốn, lãi suất cho đến các thủ tục xác nhận...
Về đối tượng cho vay, khi mới được tung ra thị trường, chỉ hoạt động thuê, thuê mua của những người thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang mới được vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng.Tuy vậy, người có thu nhập thấp được định nghĩa như thế nào? Điều này khiến chính quyền các địa phương khá dè dặt trong việc xác nhận cho những người có nhu cầu.
Chính vì vậy, khó khăn trong các thủ tục xác nhận tình trạng nhà ở, diện tích nhà, hộ khẩu từ phía chính quyền địa phương... là vấn đề mà không ít người dân gặp phải.
Về phía ngân hàng cũng hết sức thận tọng trong xét duyệt hồ sơ để tránh giải ngân sai đối tượng. Với nhiều lí do, sau khoảng một năm triển khai với tốc độ ì ạch, đến giữa năm 2014, gói 30.000 tỷ đồng mới giải ngân được hơn 5%.
Việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng trong thời gian đầu diễn ra khá ì ạch
Trước tình hình này, Bộ Xây dựng đã nhiều lần gửi đề nghị tới các địa phương nhằm hỗ trợ đẩy nhanh một số khâu xác nhận, đồng thời nhận định một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là đối tượng vay vốn còn quá hẹp.
Nhằm tháo gỡ thực trạng này, Bộ Xây dựng cũng có đề xuất Chính phủ mở rộng đối tượng cho vay tới người đầu tư nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua và để bán cho công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên… Các trường hợp khó khăn về nhà ở và có đất ở phù hợp với quy hoạch cũng được vay vốn ưu đãi để xây dựng.
Đồng thời, thời hạn trả nợ đối với khách hàng là hộ gia đình cũng được đề xuất kéo dài lên 15 năm (trước đó là 10 năm), bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần tham gia cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, thay vì chỉ có 4 nhà băng như trước đây.
Nhờ những điều chỉnh này, việc giải ngân đã có nhiều tín hiệu khả quan hơn, con số giải ngân đã đạt hơn gấp đôi cả một năm trước đó. Thế nhưng sau một năm rưỡi triển khai, con số này cũng mới chỉ đạt khoảng 12%, tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng.
Vấn đề chậm giải ngân cũng đã nhiều lần được nhắc đến trong các kỳ họp Quốc hội .
Trong một phiên họp Thường vụ Quốc hội vào đầu năm 2014, có đại biểu từng đặt câu hỏi với người đứng đầu ngành xây dựng: “Tôi xin hỏi Bộ trưởng là gói 30.000 tỷ cho vay hỗ trợ nhà ở đâu rồi, đề nghị trả lại cho Quốc hội và Chính phủ để bố trí làm việc khác. Cơ chế chính sách gì mà dân không vay được, doanh nghiệp cũng không tiếp cận được?", vị này nói.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng các thủ tục vay vốn mua nhà từ gói tín dụng quá nhiêu khê, hiện tượng các doanh nghiệp lách luật để trục lợi, ngân hàng giải ngân không đúng đối tượng đã xảy ra.
Nhiều chuyên gia có cái nhìn không mấy lạc quan về chính sách này vì không tạo được hào hứng cho người mua nhà và doanh nghiệp.
Tính đến cuối năm 2015, gói hỗ trợ đạt con số cam kết cho vay khoảng 27.000 tỷ đồng.
Phía Ngân hàng Nhà nước khẳng định không thiếu vốn cho vay nhưng tình trạng chậm giải ngân là do không muốn cho vay sai đối tượng nên rất cẩn trọng trong việc xét duyệt hồ sơ.
Trong khi đó, phía Bộ Xây dựng lại cho rằng nguồn cung nhà ở xã hội chưa nhiều và quá trình xin thủ tục xác nhận hồ sơ tại chính quyền địa phương, xác nhận thu nhập... còn phức tạp là những lý do chính khiến khiến gói 30.000 tỷ khó triển khai.
Kể từ khi chính sách có hiệu lực, lãi suất của gói vay cũng gây nhiều tranh cãi và phải điều chỉnh. Lãi suất ban đầu của các khoản vay này đến tay người dùng được cố định ở mức 6%/năm - mức khá thấp vào thời điểm ban hành chính sách.
Tuy nhiên, khi mặt bằng lãi suất giảm thì mức này không còn là ưu đãi nữa. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, mức lãi suất này nên được điều chỉnh theo năm, bằng một nửa lãi suất cho vay bình quân tại các nhà băng thương mại.
Ý kiến này nhận được sự đồng thuận lớn, nên sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh trần lãi suất huy động giảm xuống, cuối năm 2014, lãi suất gói vay cũng giảm xuống còn 5%/năm.
Gần đây, một số chuyên gia, đại diện các hiệp hội cho rằng mức lãi suất này vẫn cao và đề xuất giảm xuống còn 3-4% kèm theo những chính sách không phải trả lãi gốc cho người mua nhà trong vài năm đầu.
Tính đến nay, sau gần 3 năm triển khai gói tín dụng và sẽ “khóa sổ” trong hơn 2 tháng nữa, đã có trên 29.000 hộ gia đình, cá nhân đã nằm trong diện được vay tiền từ gói hỗ trợ nói trên.
Thông tin việc giải ngân nguồn vốn ưu đãi sẽ kết thúc vào ngày 1/6 tới đã khiến khách hàng vay vốn theo chương trình này đang như "ngồi trên đống lửa". Theo đó, các khoản tiền còn phải giải ngân sau thời điểm này (kể cả khi hợp đồng tín dụng đã ký, thậm chí giải ngân một phần trước đó) sẽ không còn được hưởng lãi suất ưu đãi.
Số liệu từ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết gói 30.000 tỷ đã "tiêu hết" 90% (khoảng 27.000 tỷ đồng) nhưng đây mới là con số "cam kết giải ngân". Thực tế, số tiền chi trả cho người vay và doanh nghiệp hiện mới khoảng 60% của gói 30.000 tỷ đồng. Trong số 40% còn lại, những khoảng tiền giải ngân sau 1/6 tới nhiều khả năng sẽ phải chịu lãi vay thương mại thông thường. |