> Toàn cảnh vấn đề giao thông đô thị
Theo thống kê của Bộ trưởng Bộ Giao thông Đinh La Thăng, các nút giao trên các trục tuyến hướng tâm chủ yếu là đồng mức, gây xung đột dòng phương tiện lưu thông. Ở Hà Nội trong 1134 nút giao thông chỉ có 14 nút giao thông khác mức còn tất cả 1120 nút giao thông là đồng mức.
Trong khi tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông vận tải còn quá thấp (hiện tại chỉ chiếm khoảng 6 - 7% diện tích đất đô thị). Nhiều công trình giao thông không được đầu tư xây dựng đúng tiến độ theo kể hoạch, việc phát triển các khu đô thị không gắn liền với phát triển giao thông; Việc các trục tuyến hướng tâm chủ yếu là đồng mức đã khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội càng thêm trầm trọng.
Chia sẻ khó khăn với Bộ trưởng Bộ Giao thông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, 10 năm nữa mới cơ bản giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông, 15 năm nữa mới giải quyết được triệt để vấn đề này.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông ở các đô thị hiện nay đó là khi xảy ra tai nạn giao thông ngoài vấn đề kết cấu hạ tầng giao thông nó có vấn đề là làm ùn tắc giao thông ngay.
“Thống kê ở một số thành phố chúng tôi thấy đến 44% do tai nạn giao thông gây ra ùn tắc giao thông. Rồi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông, chiếm 23%. Rồi xe hỏng chiếm 19%. Hiện nay, kết cấu giao thông đô thị cũng còn rất nhiều bất cập, các nút giao thông của chúng ta chủ yếu là các nút giao thông đồng mức, rất ít nút giao thông khác mức. Ví dụ như ở Hà Nội trong 1134 nút giao thông chỉ có 14 nút giao thông khác mức còn tất cả 1120 nút giao thông là đồng mức, cho nên cũng là một trong những nguyên nhân gây nên ùn tắc giao thông. Khi xảy ra ùn ứ giao thông, không những không nhường nhịn nhau, cứ chen lấn lên, phi lên cả vỉa hè, chính cái này là nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng hơn, tình hình càng thêm phức tạp”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, về những giải pháp cơ bản để khắc phục ùn tắc giao thông, “cái quan trọng, cơ bản và lâu dài đó là chúng ta phải cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông để hạn chế những điểm giao cắt là đầu nút. Chúng ta phải quy hoạch giao thông gắn liền với quy hoạch đô thị và các thành phố lớn cần quan tâm, ưu tiên quỹ đất để dành cho giao thông. “Hiện nay thành phố Hà Nội từ 7-8% quỹ đất dành cho giao thông, Thành phố Hồ Chí Minh khá hơn là 13,4% quỹ đất dành cho giao thông. Nhưng ở các nước trên thế giới thì hầu như là người ta dành 20%-25% quỹ đất dành cho giao thông. Chính vì lẽ đó đây là sự bất cập trong việc tổ chức giao thông và quy hoạch giao thông ở các thành phố lớn của chúng ta”, Bộ trưởng Dũng cho biết.
(Theo Dân trí)