Lãnh đạo Sở Xây dựng cho hay, TP. Hà Nội hiện có 840 nhà chung cư đã đi vào vận hành. Những vấn đề nổi cộm, tồn tại ở các chung cư như tranh chấp diện tích sử dụng, xây dựng, bàn giao quỹ bảo trì, chuyển tầng sinh hoạt chung thành căn hộ, kết nối hạ tầng, chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư hoặc tổ chức nhưng không thành công...
Theo ông Dục, chính quyền TP đã chỉ đạo quyết liệt vấn đề quản lý chung cư cũng như có kế hoạch khắc phục tồn tại trong 2 năm gần đây. Mặt khác, các địa phương cũng đã vào cuộc và dần có giải pháp căn cơ. Số liệu thống kê từ Sở Xây dựng cho thấy, vẫn còn 71 tòa chung cư vướng phải những vấn đề nêu trên.
|
TP. Hà Nội hiện có 840 tòa nhà chung cư đã đi vào vận hành. |
Được biết, Sở Xây dựng đã kiểm tra 66/71 nhà chung cư và trong tháng 10/2018 sẽ kiểm tra nốt những tòa còn lại. Cũng theo Giám đốc Sở Xây dựng: "Sở sẽ tiếp tục tập trung kiểm tra, xử lý và cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền của các quận, huyện, thị xã. Việc vào cuộc quyết liệt sẽ hạn chế sự vi phạm của các chủ đầu tư."
Tại buổi làm việc với Thường trực HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội ngày 9/10 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phân tích, Hà Nội là đô thị đặc biệt, quy mô dân số lớn nhưng 20% dân số tập trung tại khu trung tâm và có tốc độ tăng mỗi năm từ 1,8-1,9%. Vì vậy, TP phải bố trí chung cư để đáp ứng nhu cầu bức thiết về nhà ở.
Theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải: "Những năm qua sự nỗ lực của thành phố, các doanh nghiệp đã phần nào giải quyết được nhu cầu nhà ở cho người dân. Trong thời gian tới, Hà Nội vẫn coi vấn đền giải quyết diện tích nhà ở cho người dân là một trong những việc quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố."
Liên quan tới việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân, ông Hải khẳng định, đây là trách nhiệm của tất cả các cấp chính quyền. TP. Hà Nội đã tăng cường công tác này trong thời gian qua ngay từ cấp cơ sở, đồng thời yêu cầu người đứng đầu các cấp phải vào cuộc giải quyết khiếu nại cho dân.