Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hùng đã ký phê duyệt việc điều chỉnh nói trên tại Quyết định số 6488/QĐ-UBND. Động thái này xuất phát yêu cầu cần khớp nối hạ tầng kỹ thuật với khu vực và dự án lân cận, bổ sung đảm bảo các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội theo tiêu chuẩn thiết kế, quy chuẩn xây dựng, điều chỉnh cục bộ về quy hoạch, về hạ tầng kỹ thuật phù hợp với định hướng của Quy hoạch chung.
Nội dung quyết định nêu rõ, tại dự án, chiều cao tối đa của các công trình là 5 tầng, mật độ xây dựng không quá 80% và mạng lưới đường giao thông tuân thủ theo Quy hoạch của phân khu đô thị N1 đã được phê duyệt bởi UBND TP. Hà Nội.
|
Phối cảnh dự án Khu nhà ở làng hoa Tiền Phong "rùa bò" suốt 13 năm |
Theo đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc được chính quyền TP. Hà Nội giao nhiệm vụ tổ chức xác nhận hồ sơ bản vẽ quy hoạch chi tiết và quy định quản lý đồ án Quy hoạch chi tiết phù hợp với Quyết định được UBND TP phê duyệt. Mặt khác, để các tổ chức, cá nhân và nhân dân được biết, Sở này sẽ phối hợp cùng UBND huyện Mê Linh tổ chức công bố công khai quy hoạch chi tiết điều chỉnh.
UBND TP. Hà Nội giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND huyện Mê Linh và các ngành liên quan tổ chức hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thành thủ tục đầu tư, quản lý đất đai cũng như nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo đúng quy định hiện hành.
Dự án Khu nhà ở Làng hoa Tiền Phong do Công ty Tiền Phong (Tập đoàn Prime Group) làm chủ đầu tư. Theo quy hoạch được duyệt, công trình có tổng diện tích xấp xỉ 40,4 ha, quy mô dân số trên 3.700 người. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 920 tỷ đồng.
Về vị trí, khu đô thị cách trung tâm Hà Nội 15km, giáp với Đầm Và ở phía Đông và Đông Bắc; giáp Khu nhà ở Minh Đức, Khu chung cư cao tầng và nhà ở cho cán bộ công nhân các khu công nghiệp, tuyến đường quy hoạch (mặt cắt rộng 48m) ở phía Tây; giáp với khu nhà ở Minh Giang - Đầm Và (giai đoạn 1, giai đoạn 2, khu mở rộng Minh Giang - Đầm Và) ở phía còn lại.
Dự án được dự kiến khởi công vào năm 2005, hoàn thành năm 2013 theo quyết định số 2256/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc ngày 19/08/2005. Thế nhưng, cho tới nay đã 13 năm trôi qua công trình vẫn chậm tiến độ.
Lãnh đạo UBND huyện Mê Linh trước đó cho biết, nhiều xã như Tiền Phong, Tráng Việt, Đại Thịnh, Văn Khê,… có rất nhiều dự án, thậm chí dự án rất lớn do đã được quy hoạch thành khu đô thị. Tuy vậy, có những dự án đến nay vẫn không thấy triển khai hoặc triển khai chậm chạp dù đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2008.
Thực trạng này ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế nói chung của địa phương. Lãnh đạo huyện Mê Linh thông tin, huyện đang còn 240 ha quỹ đất giải phóng mặt bằng dở của 18 dự án đang phải làm tiếp, nếu thúc đẩy lên được sẽ thu thêm được 2.400 tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.