Đồng thời, Sở Kế hoạch và đầu tư có trách nhiệm chỉ đạo
nhà đầu tư thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án
Công viên Yên Sở theo quy định (không bao gồm khu B Công viên Yên Sở)
UBND TP. Hà Nội vừa có thông báo số 296/TB-UBND truyền đạt kết luận của tập thể lãnh đạo UBND thành phố tại cuộc họp về việc triển khai nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết khu B Công viên Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Theo đó, về dự án Khu B Công viên Yên Sở, UBND TP. Hà Nội giao Sở Kế hoạch và đầu tư rà soát toàn bộ thủ tục đầu tư của Công ty TNHH Gamuda Việt Nam, có văn bản trả lời dứt điểm không chấp thuận đề nghị của Công ty TNHH Gamuda Việt Nam về việc tiếp tục triển khai dự án tại khu B Công viên Yên Sở, do công ty đã có đề nghị dừng triển khai theo nội dung thông báo của Văn phòng UBND thành phố.
Đồng thời, Sở Kế hoạch và đầu tư có trách nhiệm chỉ đạo nhà đầu tư thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án Công viên Yên Sở theo quy định (không bao gồm khu B Công viên Yên Sở).
Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thanh Trì và các cơ quan liên quan nghiên cứu, sớm triển khai làm vườn ươm tại khu đất thuộc bãi đổ phế thải thoát nước tại xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì để từng bước di chuyển vườn ươm tạm trong khu B Công viên Yên Sở.
Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội cũng giao Sở Quy hoạch - kiến trúc hướng dẫn Công ty cổ phần Đầu tư T&M tự bỏ kinh phí nghiên cứu lập quy hoạch khu B Công viên Yên Sở theo đúng trình tự quy định hiện hành.
Dự án xây dựng công viên Yên Sở có tổng diện tích 322,57ha với tổng vốn đầu tư khoảng 850 triệu USD, bao gồm khu A và khu B được phê duyệt từ tháng 12/2007, trong đó khu A bao gồm 2 phân khu: khu công viên văn hóa và công viên truyền thống có diện tích khoảng 31,6ha; khu chức năng đô thị và phần còn lại của khu công viên cây xanh phía Nam đường Vành đai 3 rộng khoảng 91,2ha. Khu B có diện tích khoảng 200ha và hiện vẫn chưa triển khai quy hoạch 1/500.
Khu A của dự án - khu công viên văn hóa và công viên truyền thống khởi công từ tháng 1/2009 và đã mở cửa cho người dân sử dụng từ tháng 4/2014.
Trong khi đó, khu B của dự án do những thay đổi về luật đền bù, chi phí giải phóng mặt bằng tăng đột biến từ 20 triệu USD cho cả hai dự án khu A và khu lên đến khoảng 150 triệu USD chỉ riêng cho khu B tại thời điểm năm 2014. Nhà đầu tư (Công ty TNHH Gamuda Việt Nam) không thể tiếp tục ứng trước chi phí này nên đã đề xuất dừng triển khai khu B dự án.