SearchNews

Hà Nội lún 41 mm/năm

04/05/2007 08:49

Ngay trong nội thành Hà Nội, nhiều khu vực rộng lớn đang bị lún nghiêm trọng. Các nhà khoa học cho rằng, cần lập bản đồ hiện trạng lún toàn thành phố để theo dõi hiện tượng đáng lo ngại này nhằm đưa ra những giải pháp hữu hiệu cứu vãn tình hình.

Ngay trong nội thành Hà Nội, nhiều khu vực rộng lớn đang bị lún nghiêm trọng. Các nhà khoa học cho rằng, cần lập bản đồ hiện trạng lún toàn thành phố để theo dõi hiện tượng đáng lo ngại này nhằm đưa ra những giải pháp hữu hiệu cứu vãn tình hình.

Theo Viện Khoa học Công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội), kết quả quan trắc lún bề mặt đất tại 10 trạm đo lún trong những năm qua cho thấy tất cả 10 vị trí đều sụt lún. Thành Công là khu vực lún nhanh nhất với 41,42 mm/năm, Ngô Sĩ Liên là 31,52 mm, Pháp Vân 22,16 mm.

Điều này hoàn toàn có thể thấy bằng mắt thường tại khu Thành Công, khu vực có nhiều tòa chung cư cao tầng bị lún nhất của Hà Nội. Trong đó, có những tòa nhà bị lún gần hết tầng 1.

Những trạm không có lớp đất yếu thì tốc độ lún bề mặt nhỏ hơn như Ngọc Hà là 1,80 mm/năm, Mai Dịch là 2,65 mm/năm, Đông Anh là 1,41 mm/năm. Những trạm có vị trí gắn sông Hồng có độ lún bề mặt đất nhỏ hơn vì mực nước ngầm được nước sông bù phụ một phần như Lương Yên là 18,83 mm/năm; Gia Lâm là 10,33 mm/năm.

Lún do khai thác nước quá mức

Ông Nguyễn Sinh Minh, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng cho biết, có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng lún bề mặt đất như: khai thác nước dưới đất, tăng tải trọng ngoài (do xây dựng công trình); do vận động tầng kiến tạo; tính chất từ biến của đất...

Tuy nhiên các phường phải quan trắc thực nghiệm mà Viện đang nghiên cứu đã khẳng định, sự thay đổi mực nước ngầm là một trong những nguyên nhân gây nên sụt lún bề mặt đất thành phố. Khi mực nước ngầm bị hạ thấp, trạng thái của đất đá (chứa nước và cách nước) bị thay đổi, áp lực thủy tĩnh giảm đi, đồng thời áp lực hữu hiệu của lớp đất tăng lên. Dưới tải trọng công trình và tải trọng của bản thân các lớp đất, hiện tượng sụt lún xảy ra khá mạnh.

Theo Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất, Hà Nội là thành phố được cấp nước sạch hoàn toàn dựa vào xử lý và bơm hút nước ngầm ở dưới sâu trong lòng đất. Do quá trình đô thị hóa và nhu cầu dùng nước sạch ngày càng nhiều, đòi hỏi phải không ngừng tăng lưu lượng bơm hút nước ngầm.

Theo ý kiến của các nhà khoa học, trước mắt, để hạn chế tốc độ lún, Hà Nội cần quy hoạch vị trí xây dựng các nhà máy khai thác nước nên ưu tiên vị trí ven sông vì khu vực đó có nguồn cung cấp, bổ trợ lớn cho tăng chứa nước khai thác. Đồng thời, phải giảm lưu lượng khai thác nước ngầm bằng việc khai thác, xử lý nguồn nước mặt từ sông Đà, sông Hồng... Ngoài ra, khi quy hoạch tổng thể hệ thống mạng lưới các trạm đo lún bề mặt đất Hà Nội do thay đổi mực nước ngầm được thực hiện hoàn chỉnh, hoàn toàn có thể kiểm soát được biến dạng lún bề mặt đất thành phố.

(Theo An Ninh Thủ Đô)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu