Theo dự thảo Đồ án quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030 đã được trình Chính phủ, Hà Nội sẽ có hệ thống giao thông hiện đại với 8 tuyến tàu điện để liên kết nội đô và đô thị vệ tinh cùng các địa phương lân cận.
Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị, tổng chiều dài 284 km. Ngoài 5 tuyến đã được phê duyệt, Tư vấn đề xuất thêm 3 tuyến mới là Nội Bài - Phú Diễn - Hà Đông - Ngọc Hồi, Mê Linh - An Khánh - Dương Nội, Mai Dịch - Yên Sở - Lĩnh Nam - Dương Xá. Khu vực nội đô sẽ có 6 tuyến tàu điện ngầm. Ga Hà Nội trở thành tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ đô thị đa năng và là đầu mối trung chuyển hành khách giữa các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia.
Hà Nội sẽ hình thành các tuyến cao tốc và tuyến hướng tâm có quy mô 6 - 8 làn xe, hành lang tuyến 100 - 110m. Đó là tuyến cao tốc Bắc - Nam, đại lộ Thăng Long đi Hòa Bình, đường cao tốc phía tây (đường Hồ Chí Minh), cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên.
Đồng thời, tuyến hướng tâm như quốc lộ 1, quốc lộ 2, quốc lộ 3, quốc lộ 5, quốc lộ 6, quốc lộ 32 được cải tạo, nâng cấp, mở rộng. Các tuyến hướng tâm được xác định, gồm Tây Thăng Long - Sơn Tây, đường 32, trục Hồ Tây - Ba Vì, đại lộ Thăng Long, Hà Đông - Xuân Mai, Ngọc Hồi - Phú Xuyên.
Về hệ thống đường vành đai, Hà Nội sẽ hoàn chỉnh vành đai 1 (Cầu Giấy - Trần Khát Chân) dài 10,2km, quy mô 6 - 8 làn xe. Vành đai 2, dài 44km, quy mô 10 làn xe, trong đó đoạn Cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở quy mô đường 2 tầng. Vành đai 3, dài 65km, quy mô 10 - 12 làn xe, trong đó đoạn cầu Thăng Long - cầu Thanh Trì có đường cao tốc đô thị trên cao 4 làn xe.
Vành đai giữa 3 và 4 chạy dọc theo chuỗi đô thị phía đông vành đai 4, hoàn thiện đường 5 kéo dài từ cầu Chui - Đông Trù (Đông Anh) đến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài và Mê Linh tạo thành tuyến giao thông đô thị xương sống cho các khu đô thị mới Mê Linh - Đông Anh, Long Biên - Gia Lâm.
Vành đai 4 quy mô đường cao tốc 6 - 8 làn xe, rộng 12m và vành đai 5 quy mô 4-6 làn xe sẽ liên kết các tuyến hướng tâm từ sân bay Nội Bài và các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng kết nối trực tiếp với Hà Nội.
Hiện nay, vành đai ở nội đô thành phố đã định hình như vành đai 1 đoạn Trần Khát Chân - Hoàng Cầu, vành đai 2 đã hoàn thành cầu Vĩnh Tuy, vành đai 3 đã kết nối cầu Thanh Trì đến Mai Dịch... Tuy nhiên, hiện mới có Đại lộ Thăng Long là tuyến cao tốc đô thị đầu tiên thông xe.
Ngoài ra, theo quy hoạch, định hướng phát triển đô thị trung tâm Hà Nội được chia làm 3 vùng cụ thể: khu vực nội đô từ hữu ngạn sông Hồng đến vành đai 2 được xác định là lõi lịch sử hạn chế phát triển (0,8 triệu dân); khu vực nội đô mở rộng từ vành đai 2 đến sông Nhuệ và khu vực phát triển đô thị nhằm giảm tải cho trung tâm thành phố từ sông Nhuệ đến vành đai 4 và khu vực Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm thuộc khu vực bắc sông Hồng.
Các trung tâm dịch vụ, tài chính, thương mại sẽ gắn với các khu đô thị mới, tuyến giao thông chính đô thị, nhà ga đầu mối giao thông như Hà Đông, Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Trì... Trung tâm chính trị - hành chính tại Ba Đình, quy hoạch phân bố các cơ quan Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ vẫn sẽ đặt tại khu vực Ba Đình.
Dự kiến, Đồ án quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 sẽ được Thủ tướng xem xét, phê duyệt trong tháng 11.
(Theo VNE)