Từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ ưu tiên nguồn vốn và quỹ đất để phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), trong đó tập trung vào các loại hình VTHKCC khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông, vận tải (GTVT)... Đây cũng là những hành động cụ thể nhằm thể chế hóa Luật Thủ đô có hiệu lực từ ngày 1-7-2013.
Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, mạng lưới hạ tầng GTVT trên địa bàn hiện chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và không theo kịp với sự gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân. Quỹ đất dành cho giao thông hiện chỉ đạt 7-8%, giao thông tĩnh chỉ chiếm 0,35% đất xây dựng đô thị và mới đáp ứng gần 10% nhu cầu. Mạng lưới giao thông đường bộ không hoàn chỉnh và thiếu liên thông. Mặt cắt đường phần lớn là hẹp và có quá nhiều nút giao cắt và chủ yếu là nút giao đồng mức. Vỉa hè thường xuyên bị chiếm dụng và không đủ không gian cho người đi bộ. Nhiều tuyến đường và nút giao đã quá tải 1,5-2 lần, có nút vượt quá công suất 5-6 lần so với thiết kế vào giờ cao điểm như nút giao cầu Chương Dương, Nguyễn Trãi… Trong khi đó, lượng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục tăng nhanh (12-15%/năm), ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém khiến cho ùn tắc giao thông thêm nghiêm trọng.
Nhằm giải quyết bài toán này, những năm qua, TP đã quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khung, ưu tiên đầu tư từng bước biến xe buýt trở thành phương tiện vận tải chủ lực. Tuy nhiên, xe buýt mới đáp ứng được khoảng 9% nhu cầu đi lại của người dân. Mạng lưới hạ tầng phục vụ hệ thống VTHKCC đang bất cập và thiếu hụt. Trên địa bàn mới có 350/1.800 điểm dừng xe buýt được lắp đặt nhà chờ phục vụ khách. Các khu đô thị, trung tâm thương mại, khu vui chơi… chưa có quy hoạch quỹ đất dành cho VTHKCC. Đường ưu tiên dành riêng cho xe buýt đến nay mới có khoảng 5km đoạn Nguyễn Trãi - Hà Đông nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Xe buýt phải hoạt động trong dòng giao thông hỗn hợp làm giảm tốc độ chạy xe, giảm hiệu quả khai thác. Các loại hình VTHKCC khối lượng lớn, tiên tiến như xe buýt nhanh (BRT), tàu điện ngầm (metro), đường sắt trên cao đang trong giai đoạn xây dựng.
Nhằm từng bước thể chế hóa Luật Thủ đô (có hiệu lực từ ngày 1-7-2013), TP đang khẩn trương xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích để phát triển VTHKCC. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cho biết, mục tiêu đặt ra là VTHKCC đáp ứng 12-15% nhu cầu người dân vào năm 2015 và nâng lên 35-40% vào năm 2020. Cùng với việc đổi mới phương tiện, TP sẽ tập trung hoàn chỉnh mạng lưới xe buýt, đến năm 2020 phát triển 5-6 tuyến BRT và đưa vào vận hành ít nhất 2 tuyến đường sắt đô thị là tuyến Yên Nghĩa - Cát Linh và Nhổn - Ga Hà Nội…
Để thực hiện được mục tiêu này, Hà Nội sẽ ưu tiên bố trí quỹ đất và đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ hệ thống VTHKCC, như trạm trung chuyển, ga đường sắt đô thị, điểm dừng đỗ, đường riêng cho xe buýt. Các phương tiện sử dụng hạ tầng phục vụ hệ thống VTHKCC phải có chất lượng cao, hiện đại và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Niên hạn sử dụng đối với xe buýt, BRT không quá 7 năm. Lập các trung tâm quản lý, điều hành giao thông chung và các trung tâm hạ tầng phục vụ hệ thống VTHKCC theo từng loại hình. Từng bước triển khai hệ thống vé điện tử dùng chung cho các loại hình hạ tầng phục vụ hệ thống VTHKCC khối lượng lớn. Để vận hành hệ thống giao thông thông minh, TP cũng lên kế hoạch đào tạo nhân lực để quản lý, khai thác, vận hành. Cho doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi đối với các dự án áp dụng công nghệ cao vào quản lý, điều hành GTVT với mức vay tối đa lên tới 80% số vốn đầu tư theo từng dự án…
Ngoài ra, Hà Nội cũng đặt mục tiêu phát triển mạng lưới VTHKCC phải đi kèm với hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Với nội dung này, trước mắt sẽ chỉ thực hiện thông qua các giải pháp nhằm hạn chế sử dụng như áp dụng mức thu phí lưu thông, phí sử dụng đường, hè trong khu vực nội đô. Về lâu dài, việc nghiên cứu hạn chế phương tiện giao thông cá nhân sẽ được thực hiện một cách thận trọng trên cơ sở khảo sát và tính toán khoa học, phù hợp với điều kiện KT-XH, cơ sở hạ tầng và hiện trạng của mạng lưới VTHKCC, ít gây xáo trộn nhất tới đời sống người dân.
Theo Hanoimoi