“Tại sao chúng ta thích và trân trọng những bức tranh Phố Phái mà không gìn giữ những di sản hiện còn tồn tại, để chúng được kể và được sống mãi với thời gian", giáo sư Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn Di sản Tiến sĩ và các Nhà Khoa học Việt Nam băn khoăn.
Theo giáo sư Huy, hiện ở Hà Nội còn rất nhiều công trình kiến trúc Pháp có giá trị như: tòa nhà ĐH Tổng Hợp Hà Nội, Bưu điện Hà Nội, tòa nhà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… Các di sản kiến trúc Pháp này không chỉ có giá trị sử dụng, mà còn có giá trị văn hoá, lịch sử, thẩm mỹ. Và sẽ là thiếu văn hóa nếu tùy tiện thêm cái nọ, bớt cái kia vào trong mỗi công trình kiến trúc đó.
Giáo sư Huy đưa ra ví dụ, tòa nhà ĐH Tổng hợp Hà Nội (19 phố Lê Thánh Tông) do kiến trúc sư người Pháp Ernest Hébrard thiết kế. Trước đó, năm 1921, vị kiến trúc sư này cũng là người được người Pháp giao toàn quyền phụ trách quy hoạch đô thị Đông Dương. Để lấy thiện cảm từ người dân bản địa, Ernest Hébrard đã mang phong cách xây dựng, từ những chi tiết hoa văn đến không gian tòa nhà có pha lẫn giữa phong cách Châu Âu đang thịnh hành lúc bấy giờ và phong cách Việt Nam. Đó là những cách điệu từ các chi tiết kiến trúc gỗ truyền thống, đây được gọi là phong cách kiến trúc Đông Dương.
Kiến trúc công trình sử dụng những chi tiết kiến trúc bản địa vì thế đã giải quyết tốt bài toán vi khí hậu trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm và các không gian sảnh được thiết kế rất đẹp và hài hòa… Vì thế, trải qua chiến tranh bom đạn và sự khắc nghiệt của thời tiết, tòa nhà này hiện còn khá nguyên vẹn. Tuy nhiên, đáng buồn là hiện nay, người ta tự động xây thêm gala che mái tôn, dựng ki ốt, nhà bảo vệ… khiến cho kiến trúc gốc không còn nguyên vẹn.
Hay như tòa nhà Bưu Điện Hà Nội, được xây dựng năm 1901, trên nền chùa Báo Ân. Đây là một kiến trúc không chỉ đẹp về kỹ thuật mà còn có ý nghĩa lịch sử vô cùng quý giá. Nó là bưu điện đầu tiên của Hà Nội vào đầu thế kỷ 20. Lúc bấy giờ, bưu tá Hà Nội đi phát thư, chưa có xe đạp phải dùng xe tay, sau khi nhận thư từ Bưu điện Trung tâm Bờ Hồ, phu xe kéo đưa bưu tá đến địa chỉ cần chuyển…
Câu chuyện về nó là một giai đoạn lịch sử đáng nhớ của ngành bưu chính Việt Nam. Giá như có một phòng trưng bày nhỏ giới thiệu câu chuyện đó, trưng bày những bức ảnh về những người bưu tá thời đó hay chiếc xe tay, con tem cũ… thì thật là thú vị và ý nghĩa. Tuy nhiên, du khách ở trong nước, thậm chí là nước ngoài nếu bỏ công đến đây thật khó có thể tiếp cận được với những thông tin ấy. “Chúng ta có thời gian, có sự quan tâm và trân trọng với Thủ đô, tại sao chúng ta không thể biến đây thành một địa chỉ du lịch trong tour tìm hiểu về Thủ đô 1.000 năm tuổi?”, giáo sư Huy trăn trở.
Cũng theo giáo sư Huy, thay bằng đầu tư cho tòa nhà Bưu điện Hà Nội thành một điểm du lịch, người quản lý tòa nhà này lại cho thuê một phần mặt tiền để các ngân hàng đặt cây rút tiền chắn phía trước cửa khiến những người tâm huyết với di sản cảm thấy rất buồn lòng.
Bảo tồn di sản kiến trúc là một bài toán không dễ nhưng không phải không thể có lời giải. Cụ thể, trong những trường hợp của những kiến trúc Pháp cổ xưa. Chúng ta hoàn toàn có thể làm sống nó bằng cách biến nó thành một địa chỉ du lịch. Cách làm này vừa là để gìn giữ chính nó cũng là để cho những ai yêu quý và mong muốn khám phá về Thủ đô có cơ hội biết đến.
(Theo Đất Việt)