SearchNews

HN đã bán 89.000 căn hộ sở hữu NN

09/12/2006 08:51

Đây là báo cáo về tiến độ bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang ở, thuê theo Nghị định 61, được công bố trong phiên họp Hội đồng Nhân dân Hà Nội, sáng qua.

Đây là báo cáo về tiến độ bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang ở, thuê theo Nghị định 61, được công bố trong phiên họp Hội đồng Nhân dân Hà Nội, sáng qua. 

Nhiều căn hộ đã được bán theo diện 61. Ảnh: Hoàng Hà

Trong cuộc họp còn có kết quả thanh tra việc sử dụng nhà, đất công sai mục đích, việc “quản” đối với tiền của các đơn vị đang sử dụng đất công để cho thuê, tình hình kê khai, kiểm kê tài sản...

Nhiều trường hợp sử dụng nhà, đất công sai mục đích

Trước những chất vấn về việc bán nhà ở theo Nghị định 61, ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết việc bán nhà đã được thành phố lập kế hoạch và tiến hành từ cách đây nhiều năm. Theo kê khai hiện có 160.000 hộ dân đang ở nhà thuộc sở hữu Nhà nước. Đến ngày 30/11, thành phố đã bán 89.000 căn hộ cho những người đang thuê, đang ở.

Trong số nhà còn lại, có khoảng 36.000 nhà thuộc cơ quan tự quản và 35.000 hộ thuộc thành phố quản lý. Theo chỉ đạo của UBND TP, 18.000 căn hộ thuộc quyền quản lý của cơ quan tự quản nhưng không có cơ quan tự quản hoặc nhà cấp 4 đã được chuyển cho các quận huyện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.

Thành phố cũng giao cho Công ty Quản lý và Phát triển nhà thuộc Sở Tài Nguyên - Môi trường trực tiếp xét bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho 41.150 trường hợp muốn mua nhà thuộc sở hữu nhà nước.

Theo ông Hậu, cơ quan chức năng hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong theo thực hiện chính sách giá bán nhà thuộc sở hữu nhà nước do có sự “vênh” nhau giữa Nghị định 60 và 61. Ông dẫn chứng việc ở một cơ quan đã phải bỏ tiền ra xây một nửa nhà, nửa còn lại do công nhân viên tự bỏ tiền trực tiếp xây. Nếu theo chính sách tài chính thì phần công nhân viên tự bỏ tiền xây sẽ được cấp giấy chứng nhận và không phải thu tiền.

“Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 60, khi cấp giấy chứng nhận thì những người đã ở trong những căn nhà này lại phải nộp thêm 40% tiền đất theo quy định. Như vậy người dân phải bỏ tiền hai lần để nhận được giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đất ở. Đây là một vướng mắc cần phải tháo gỡ”, Ông Hậu cho biết.

Về việc kê khai, rà soát tài sản công trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Hoàng Mạnh Hiển cho biết trong thời gian qua các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp sử dụng sai mục đích, để hoang hóa hoặc lấn chiếm đất công.

“Ngay sau kỳ họp này thành phố sẽ cho kiểm tra và xử lý những trường hợp vi phạm trong sử dụng nhà, đất công. Tuy nhiên quá trình xử lý cũng có một số vấn đề cần lưu tâm đó là phải tính đến quá trình, đối tượng sử dụng và yếu tố lịch sử để lại. Những trường hợp sử dụng không đúng mục đích chúng tôi sẽ cho chấn chỉnh hoặc thu hồi ngay”, ông Hiển khẳng định.

Gần 16.000 m2 đất tầng một cho thuê kinh doanh

Trước những chất vấn của các đại biểu về việc sử dụng diện tích tầng một tại những khu tái định cư cũng như việc thu hồi những diện tích nhỏ lẻ và đấu giá những điểm đất kẹt trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP, Lê Quý Đôn, cho biết diện tích tầng một ở các dự án tái định cư của TP có khoảng trên 48.000 m2 trong đó 25.000 m2 đã được sử dụng cho các mục đích công cộng.

Trong số 23.000 m2 còn lại có khoảng 7.000 m2 trong quá trình đang hoàn thiện. Số còn lại được bố trí cho các dịch vụ kinh doanh và thu ngân sách để đầu tư trở lại cho các chung cư. Thành phố cũng đã ban hành văn bản quy định về việc sử dụng diện tích tầng một. Tuy nhiên, quá trình sử dụng chưa được thực hiện nghiêm túc do nhiều nguyên nhân khác nhau.

“Tháng 10 vừa qua, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh việc sử dụng đất tầng một. Theo đó, tầng một các nhà chung cư hiện nay không được bố trí nhà ở mà chỉ sử dụng cho mục đích công cộng hoặc dịch vụ kinh doanh. Các cơ quan, đơn vị của thành phố hoặc trung ương có nhu cầu sử dụng diện tích tầng một thì Sở Tài chính phải xác định giá theo giá thị trường và tính vào tài sản công khi cho thuê. Với diện tích tầng một cho thuê kinh doanh thì phải tổ chức đấu thầu”, ông Đôn cho biết.

Về việc đấu giá những khoảng đất kẹt trên địa bàn TP, ông Đôn cho biết TP đã tiến hành xử lý từ nhiều năm nay. UBND TP đã ủy quyền cho các huyện được quyền phê duyệt quy hoạch các diện tích đất này theo nguyên tắc ưu tiên cho các công trình công cộng. Tính đến nay, TP đã bán đấu giá được khoảng 1 ha đất kẹt và thu về cho ngân sách 7,4 tỷ đồng.

Hàng trăm biệt thự thuộc sở hữu nhà nước đã được bán

Về sử dụng và bán các biệt thự trên địa bàn TP, ông Đôn cho biết Hà Nội có khoảng 654 biệt thự, trong đó có 43 biệt thự thuộc diện không được bán. Tính đến nay phần lớn các biệt thự đã được bán theo Nghị định 61.

"Hiện có 2 trường hợp đề nghị mua biệt thự được dư luận nhắc đến nhiều là trường hợp của ông Hoàng Văn Nghiên và ông Phan Văn Vượng. Xin khẳng định chưa có chủ trương nào của Thành ủy, UBND thành phố về việc bán hai nhà thuộc sở hữu nhà nước này cho các đồng chí trên. Tuy nhiên đây là hai trường hợp có những đóng góp cho thành phố trong quá trình công tác.

Về mặt chính sách, chúng ta cũng phải có trách nhiệm xem xét cho phù hợp đối với những trường hợp này. Thành phố đã giao cho Sở TN&MT xây dựng một quy chế chung về chế độ cho các cán bộ thuộc cấp ủy quản lý. Nhưng trước mắt thành phố cũng có chỉ đạo chậm nhất đến 31/12/2006 sẽ thu hồi những nhà trên”- Ông Đôn nói.

Trước những vấn đề giải trình của các lãnh đạo UBND TP, bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND TP đã yêu cầu UBND TP sau kỳ họp này phải giải quyết những vấn đề sau kê khai việc sử dụng đất công trên địa bàn TP. Những đơn vị sử dụng sai cần bị xử lý và cho thu hồi ngay diện tích đất sử dụng sai mục đích. UBND TP cũng sẽ phải báo cáo những việc này trước HĐND trong kỳ họp sau.

(Theo Tiền Phong)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu