SearchNews

Hồ Tây ô nhiễm do đâu?

24/11/2011 10:03

Ô nhiễm Hồ Tây gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đô thị. Vậy nguyên nhân từ đâu Hồ Tây đang dần trở thành bãi rác?

Ô nhiễm nặng, Hồ Tây đang trên đường trở thành bãi rác?

Ô nhiễm Hồ Tây đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đô thị và trở thành vấn đề nhức nhối. Vậy do đâu Hồ Tây đang dần trở thành bãi rác?

Hồ Tây ngày càng trở nên ô nhiễm nghiêm trọng, một phần do quá trình đô thị hóa quá nhanh. Phát triển đô thị không nâng cấp đồng thời với công nghệ xử lý nước thải. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất là do con người. Nước, rác thải sinh hoạt và kinh doanh công nghiệp đang là tác nhân lớn nhất gây ô nhiễm môi trường nước, không khí, cảnh quan ở Hồ Tây.

Nhà nổi, du thuyền

Việc kinh doanh nhà hàng trên du thuyền Hồ Tây đã trở nên phổ biến và thiếu sự quản lý chặt chẽ. Vừa ăn uống, vừa ngắm cảnh Hồ Tây và hít thở không khí trong lành là sở thích của rất nhiều người dân Hà Nội. Hiện trên Hồ Tây có đến hàng chục tàu thuyền sử dụng vào mục đích kinh doanh. Các tàu thuyền chủ yếu tập trung ở khu vực Thụy Khuê, dọc đường Thanh Niên, trên mặt Hồ Tây và hồ Trúc Bạch..

Thời gian gần đây cá tôm nổi trắng Hồ Tây, mặt nước hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo phản ánh của người dân xung quanh và tìm hiểu của PV Dothi.net thì nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm này là do váng xăng dầu và rác thải.

Các du thuyền, nhà nổi hoạt động tại khu vực này đã thải dầu mỡ ra mặt hồ. Bên cạnh đó, 90% nhà hàng kinh doanh ăn uống trên mặt hồ không có hệ thống xử lý rác thải. Rác xả trực tiếp xuống Hồ Tây, gây ô nhiễm môi trường mặt nước hồ. Đặc biệt là khu vực phía đường kè gần công viên nước và khu vực gần Trường Chu Văn An, thường xuyên xuất hiện váng xăng dầu. Mùi xăng dầu bốc lên nồng nặc, nổi váng đen khắp mặt hồ, khiến cá tôm chết trắng hàng loạt.

Trước tình trạng gây ô nhiễm nghiêm trọng từ các tàu thuyền, Sở GTVT Hà Nội đã nhiều lần ra quyết định tháo dỡ tàu thuyền kinh doanh trên mặt hồ. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, nhà nổi, du thuyền lại tập trung kinh doanh trở lại và tiếp tục xả rác xuống Hồ Tây.

Nước thải từ nhà dân

Theo nghiên cứu của Công ty TNHH nhà nước một thành viên Hồ Tây, hiện mỗi ngày đêm có khoảng 4.000m3 nước thải công nghiệp và sinh hoạt xả xuống hồ Tây. Trong số lượng nước thải này, hàm lượng amoniac trong nước chiếm tới 1,5 mg/lít, gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép.

Bên cạnh nước rác thải do các du thuyền nhà nổi, Hồ Tây cũng được tận dụng như một 'thùng rác' khổng lồ để người dân tự ý thả xuống đủ loại rác. Phần lớn những ngõ hẹp xe rác không vào được, người dân đều vứt rác xuống hồ cho “tiện”. Rác thải với đủ chủng loại: túi nilon, thực phẩm và hàng nghìn cọc tre do người dân cắm xuống làm chỗ câu cá trộm đang hàng ngày, hàng giờ là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường Hồ Tây.

Khi xác cá tôm nổi trắng mặt hồ, thối rữa, bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến người dân xung quanh vô cùng khó chịu và bức xúc. Tuy nhiên, ít ai nghĩ rằng Hồ Tây đang bị bức tử có thể một phần do “ý thức” của chính những người sống quanh hồ.

Sân golf

Nếu nước rác thải từ hoạt động kinh doanh, sinh hoạt là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước, không khí quanh Hồ Tây thì sự xuất hiện của sân golf lại đang gây ô nhiễm “cảnh quan” hồ.

Một phần diện tích lớn Hồ Tây đã bị án ngữ bởi bãi tập golf nổi trên mặt nước rộng hàng nghìn mét vuông. Một góc hồ Tây vốn thông thoáng, thơ mộng đã bị lưới, cọc tre, cờ xí... quây kín.

Sân tập golf nằm trong khuôn viên khách sạn Hà Nội Club (ngõ 76 Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) thuộc quản lý của Công ty Liên doanh CLB Hà Nội (gọi tắt là CLB Hà Nội).

Phía trong sân tập dựng chi chít các khung sắt dùng làm bia đích, võng lưới hứng, ở giữa là một đảo nổi làm bằng hộp gỗ lớn mô phỏng đảo thật ở sân golf trên cạn cho người chơi tập đánh... Khu bãi tập trên bờ được nối bằng một cầu cảng nổi. Cầu cảng này ghép từ các mảng gỗ lớn dùng làm đường dẫn ra “sân” tập và cho thuyền cập bờ. Ngoài bãi tập này, phía đối diện bên phải khách sạn còn có một bãi tập quy mô lớn hơn rất nhiều và hàng ngày thu hút rất nhiều khách đến chơi.

Đứng từ phía đường ven Hồ Tây nhìn ra khu bãi tập golf này dễ dàng nhận thấy một góc Hồ Tây trở nên lộn xộn bởi các vật dụng phao, lưới, cọc tre, cờ xí, thùng phuy, bè cầu gỗ…Sự tồn tại của sân golf ngay giữa Hồ Tây đã gây cản trở giao thông thủy trên mặt hồ, che khuất tầm nhìn và làm xấu cảnh quan khu vực hồ.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm (Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội) “đã đến lúc cần thỏa thuận lại với doanh nghiệp để dừng hoạt động, mặc dù chưa hết thời gian trong hợp đồng thuê diện tích mặt nước”.

Xuất phát từ các nguyên nhân trên, trung bình hàng năm, Xí nghiệp Môi trường Hồ Tây phải nhổ trên 1.900 chiếc cọc tự phát và vớt lên khoảng 800 m3 bèo cùng hàng nghìn m3 rác từ Hồ Tây. Trước tình trạng này, Quận Tây Hồ cần phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời tình trạng ô nhiễm và xử lý nghiêm khắc, triệt để mọi hành vi hủy hoại môi trường Hồ Tây.

L.H (tổng hợp)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu