Những vấn đề về tiến độ, những thắc mắc, vướng mắc trong quá trình giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thuộc lĩnh vực nhà ở xã hội đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng giải đáp trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” ngày 14/7.
Thưa Bộ trưởng, một số ý kiến mới đây cho rằng thực hiện gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng là đang đi lệch hướng Nghị quyết 02 của Chính phủ về xử lý hàng tồn kho. Tức là khi số lượng nhà ở tồn kho cũ chưa được xử lý hết thì chúng ta lại tiếp tục khởi công nhiều dự án nhà ở xã hội mới. Quan điểm của Bộ trưởng về ý kiến này như thế nào?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Những công việc của Bộ Xây dựng, các bộ ngành liên quan, các địa phương và các doanh nghiệp thực hiện là hoàn toàn nghiêm túc theo đúng hướng Nghị quyết 02 của Chính phủ.
Chúng ta đều biết, việc tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản (BĐS), giải quyết hàng tồn kho và việc phát triển nhà ở xã hội là 2 nhiệm vụ khác nhau nhưng liên quan mật thiết với nhau.
Tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, giải quyết hàng tồn kho là nhằm khắc phục tình trạng lệch pha về cung cầu, làm cho thị trường BĐS giao dịch trở lại, ấm lên, để góp phần tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ thực hiện chiến lược nhà ở với mục tiêu mọi người dân đều được cải thiện nhà ở, có chỗ ở, đặc biệt là những người khó khăn về nhà ở.
Việc tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS trong Nghị quyết 02 có điểm rất quan trọng mà Chính phủ yêu cầu là tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS nhưng phải gắn với chiến lược nhà ở. Tức là sản phẩm BĐS phải phù hợp với khả năng thanh toán của người dân, phải đến với người dân chứ không phải làm BĐS theo khả năng của chúng ta.
Chính vì vậy, có thể thấy thời gian qua, BĐS tồn kho nhiều sản phẩm quy mô lớn, giá cao, trong khi lại thiếu sản phẩm quy mô nhỏ, giá thấp phù hợp với khả năng thanh toán của đại đa số người dân. Do vậy, phải khắc phục sự lệch pha này.
Hiện nay, tồn kho BĐS không chỉ là những căn hộ, những ngôi nhà đã xây xong mà tồn kho còn ở nhiều dự án dở dang đã có hạ tầng, đền bù giải phóng mặt bằng rồi hoặc có một phần hạ tầng rồi với mục tiêu làm nhà ở thương mại nhưng chưa làm. Cho nên giải pháp quan trọng là phải cấu trúc lại thị trường BĐS để sản phẩm phù hợp các đối tượng, với mọi người dân.
Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký chuyển từ nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội. Việc phát triển nhà ở xã hội theo cách này giúp chúng ta cùng một lúc làm được nhiều việc, đó là vừa đảm bảo phù hợp khả năng thanh toán, người dân có nhà ở mà vẫn xử lý được hàng tồn kho ở những lĩnh vực liên quan như vật liệu xây dựng, đồ nội thất. Đồng thời với sự hỗ trợ của Nhà nước bằng gói 30 nghìn tỷ đồng, cùng với chính sách không thu tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT đầu ra…. thì đây chính là gói kích cầu để thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng trở lại.
Do đó, không chỉ người dân nghèo được mua nhà xã hội hưởng lợi mà cả người dân không mua nhà cũng được hưởng lợi khi kinh tế tăng trưởng trở lại. Với người có thu nhập cao hơn sẽ có khả năng quay trở lại mua nhà ở thương mại. Như vậy, một việc làm nhưng chúng ta đạt nhiều mục đích.
Một số người dân đặt câu hỏi tỷ lệ của gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng là 70% cho người dân và 30% cho doanh nghiệp, nhưng thực tế thời gian qua báo chí đưa tin nơi này, nơi kia có những dự án nhà ở xã hội được khởi công trong khi số người dân được tiếp cận gói vay này chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Như vậy, có xảy ra vấn đề là tiền sẽ chảy về doanh nghiệp thay vì ưu tiên cho người dân nghèo như định hướng ban đầu hay không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Nếu nhiều dự án nhà ở xã hội được vay để xây dựng nhà ở xã hội thì sẽ phục vụ cho nhiều người dân. Nhưng hiện nay, chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà với việc phát triển nhà ở xã hội, do lợi nhuận không cao, hơn nữa dù doanh nghiệp dù có được vay nhiều nhưng cũng không quá 30%.
Gói tín dụng này là trung hạn, không phải đưa ra là làm được ngay. Mặt khác, phải có nhà ở xã hội rồi thì mới cho người dân vay được, hoặc nhà ở thương mại diện tích dưới 70 m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 nhiều lên thì mới có nhiều người mua và mới cho vay được, nhưng hiện nay khối lượng loại nhà này rất ít nên chưa giải ngân được ngay.
Mục tiêu của gói hỗ trợ này là phải đến đúng người tiêu dùng, đúng người khó khăn về nhà ở. Nếu giải ngân nhiều nhưng chệch đối tượng thì không đạt được mục tiêu đề ra. Vấn đề nữa là ngân hàng phải chịu trách nhiệm chính về gói tín dụng này. Cho vay nhưng phải bảo toàn vốn cho nên họ cũng có những điều kiện để quản lý nguồn tín dụng.
Có thính giả gửi thư đến chương trình cho biết ở Hà Nội, có dự án mặc dù niêm yết giá bán từ 10-14,5 triệu đồng/m2, nhưng lại yêu cầu người mua nộp thêm khoản tiền chênh từ 100 đến vài trăm triệu đồng cho 1 căn hộ. Các môi giới giải thích làm như vậy để ép giá danh nghĩa xuống dưới 15 triệu đồng/m2 để người dân mua nhà từ những dự án này có thể hưởng lợi từ gói 30 nghìn tỷ. Vậy Bộ trưởng có biết những hiện tượng này hay không, liệu đây có phải là hiện tượng lách luật để hưởng lợi chính sách hay không?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng là thực hiện theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, phải đúng đối tượng, ai làm sai, người đó phải chịu trách nhiệm.
Bộ Xây dựng có nghe những thông tin vừa nêu và đang phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, và kiên quyết không để xảy ra tình trạng lợi dụng gói 30 nghìn tỷ để làm lợi cho cá nhân hay một bộ phận nào.
Theo Chinhphu.vn