Nhà không số, phố không tên đã khổ, nhưng tình trạng "nhà nhiều số" tại thủ đô Hà Nội nói riêng cũng như trên toàn quốc bấy lâu nay cũng làm không ít người "méo mặt", bở hơi tai vì tìm.
Nguyên do bắt nguồn từ việc đặt lại tên phố, tên đường, hoặc do người dân... tự "sáng tác" ra số nhà mình thích. Đường Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân đi vào hoạt động chính thức từ năm 2007. Có lần, tôi đi tìm Công ty TNHH Sao Mai, số 1 Nguyễn Quý Đức. Vòng đi vòng lại mấy lần không thấy công ty mình muốn tìm. Thay vào đó là báo Nhi đồng, cửa hàng thuốc, cửa hàng tạp hóa tranh nhau... dùng số 1. Người đến phố Kim Liên không thể tìm ra nổi số nhà 7, chỉ thấy số 9 nhan nhản khách sạn, nhà hàng, công ty...
Nổi tiếng về "loạn các số nhà" ở Hà Nội phải kể đến con đường đã quá lâu năm, đó là đường Hoàng Quốc Việt. Các số nhà trên tuyến phố này cũng nhảy "loạn cào cào", đang từ 20... lên 36..., lúc nhìn thấy số 98 nhưng lại không thấy số 100 đâu. Anh bạn tôi có lần tìm địa chỉ 100B mà đứt hơi không ra, hỏi ai cũng không biết. Anh đi qua đi lại mấy vòng, cuối cùng cũng tìm ra cái ngõ 100B nhưng nó cũng chẳng nằm cạnh ngõ 98 hay 102 nào cả.
Ngoài ra, trên đường Hoàng Quốc Việt vẫn diễn ra tình trạng trùng số nhà từ lâu, nhưng không được chỉnh sửa. Ví dụ, chỉ riêng số 99 đã có hai địa chỉ gắn biển, trong khi hai địa chỉ đó cách nhau tới... 3km (một địa chỉ là cửa hàng đồ gỗ hàng hiệu Hoa Kỳ, địa chỉ kia là Phòng giao dịch số 2, chi nhánh Hoàng Quốc Việt của Ngân hàng Agribank). Trên đường Hoàng Quốc Việt hiện cũng có tới 4 căn nhà gắn số 99.
Nhà tôi ở chỉ cách phố Kim Liên mới không xa. Nhưng tôi phải mất hơn 30 phút để tìm được đúng số 134. Một trụ sở nằm tại 134 đường Kim Liên mới, nhưng phía dưới lại ghi biển số là 228 Xã Đàn. Cách đó không xa, một trường hợp khác cũng vậy: phía trên là số nhà 93B, tổ 26B, phường Phương Liên, ở dưới biển số lại được mặc định là số 59...
Tình trạng số chẵn nằm bên số lẻ không phải là hiếm. Có nhiều nhà dân đã được đánh số mới, song lưu luyến số cũ nên vẫn để nguyên, khiến nhiều người "bói chẳng ra".
Cùng chung tình trạng tương tự là tuyến phố Lê Văn Lương. Cùng một dãy liền kề nhưng số to đứng cạnh số nhỏ, số chẵn chen vào số lẻ. Từ số 11 rồi 19, 45, 20, 18, 61 và rồi lại... 18. Nhìn thấy số 19, nhảy luôn sang 27, rồi lại quay về 21, 23 đến chóng mặt. Có lần cả gia đình hẹn nhau đi ăn tại 18 Lê Văn Lương mà tìm mãi không ra với một tâm trạng rất bức xúc.
Tuyến đường Lê Văn Lương đã vậy, khi theo đường Nguyễn Thị Định rẽ vào Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, càng rắc rối hơn. Có những ngôi nhà ở đây được gắn 2-3 biển số nhà. Cả dãy phố mới khang trang nhưng số nhà nhảy loạn xạ cả lên, từ 33-16-35-15...
Việc đánh số linh tinh đã kéo dài quá lâu mà không thấy cơ quan chức năng nào xử lý dứt điểm. Điều này đã khiến người dân bực bội bởi để tìm đúng địa chỉ, người dân phải rất nhọc công sức. Và không chỉ những người dân ngoại tỉnh mới khốn khổ tìm địa chỉ nhà người quen mà ngay cả nhiều người sống lâu năm ở Hà Nội cũng rơi vào tình cảnh khốn khổ này.
Hà Nội chuẩn bị đón chờ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Mong rằng các cơ quan quản lý cần sớm rà soát, đánh lại số nhà trên toàn thành phố, kiên quyết loại bỏ số nhà cũ, tạo thuận lợi cho người dân và đó cũng là một cách để góp phần chỉnh trang đô thị.
(Theo SKĐS)