Để đáp ứng nhu cầu giải phóng mặt bằng (GPMB) trong giai đoạn tới, Sở Xây dựng Hà Nội đã lập đề án đầu tư xây dựng các khu đô thị tái định cư (TĐC), với quy mô lớn, bảo đảm điều kiện hạ tầng kỹ thuật - xã hội.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng đề nghị UBND TP kiên quyết thay chủ đầu tư dự án nhà TĐC nếu không bảo đảm đúng tiến độ đã cam kết với thành phố.
Nhiều dự án chưa dùng hết nhà tái định cư
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, một số dự án đã được UBND TP Hà Nội cân đối quỹ nhà TĐC từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa sử dụng hoặc mới chỉ sử dụng được một phần, gây lãng phí tài sản Nhà nước cũng như khó khăn cho công tác quản lý vận hành. Điển hình như dự án đường Vành đai 2, được bố trí 1.220 căn hộ, nhưng mới dùng khoảng 900 căn; dự án đường Vành đai 1 (Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái) bố trí 804 căn, chưa sử dụng căn nào; dự án đường Vành đai 2,5, bố trí 425 căn, mới sử dụng 65 căn... Trong khi đó, nghịch lý là nhiều dự án đầu tư xây dựng quỹ nhà TĐC lại thực hiện quá chậm không kịp hoàn thiện để phục vụ GPMB cho những dự án được bố trí.
Ngay trong năm 2009, là năm có nhiều công trình trọng điểm hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, dự kiến nhu cầu quỹ nhà TĐC khoảng 5.000 căn hộ. Tuy nhiên, qua thống kê từ các dự án, khả năng sử dụng chỉ khoảng 3.000 căn. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, nguyên nhân là do việc GPMB thực hiện chậm so với kế hoạch. Mặt khác, thông thường việc bồi thường, hỗ trợ, TĐC triển khai theo từng giai đoạn và thường kéo dài qua 1-2 năm. Cá biệt có một số dự án như đường Vành đai 3, Công viên Tuổi trẻ, Vành đai 1, đường 5 kéo dài... thực hiện trong nhiều năm. Sở Xây dựng Hà Nội đã đề nghị TP cho phép chuyển nhà TĐC từ những dự án được bố trí, nhưng sử dụng chậm 12 tháng so với tiến độ sang các dự án có nhu cầu sử dụng ngay, tránh tình trạng nơi cần không có, nơi có lại không cần.
Sẽ xây dựng khu đô thị phục vụ tái định cư
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, TP sẽ cân đối, bố trí quỹ nhà TĐC giữa các dự án để đáp ứng nhu cầu triển khai các dự án trọng điểm, công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và các dự án nhỏ lẻ trên địa bàn trong năm 2009. Tuy nhiên, từ năm 2010 trở đi, nhu cầu quỹ nhà đất TĐC sẽ rất lớn (do địa giới hành chính Hà Nội mở rộng, số lượng dự án tăng gấp 3 lần năm 2007), trong đó các quận nội thành có khoảng 13.000 hộ phải bố trí TĐC bằng nhà chung cư cao tầng. Vì vậy, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND TP yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư, cam kết bàn giao quỹ nhà, nếu chủ đầu tư thực hiện quá chậm cần thu hồi lại dự án, giao chủ đầu tư khác có năng lực triển khai. Đặc biệt, các dự án xây dựng nhà TĐC do UBND quận, huyện làm chủ đầu tư triển khai rất chậm, không bảo đảm tiến độ, nên chính UBND các quận, huyện thường phải đề nghị TP cân đối quỹ nhà để bố trí phục vụ GPMB cho các dự án trên địa bàn của mình.
Ngoài việc bố trí TĐC bằng nhà, Sở Xây dựng cũng đề nghị TP khuyến khích cơ chế các hộ dân nhận tiền tự mua nhà định cư; đồng thời xây dựng từ 3 đến 5 khu đô thị TĐC có chất lượng, bảo đảm điều kiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội theo đúng phương châm "nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ". Ông Tuấn cho biết, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã giới thiệu xây dựng 3 khu đô thị TĐC gồm Thượng Cát (Từ Liêm), La Phù (Hoài Đức), Thanh Liệt (Thanh Trì) và tìm tiếp địa điểm khác tại huyện Đông Anh, Gia Lâm. Dự kiến, mỗi khu sẽ có quy mô 50ha trở lên. "Ngay từ khâu quy hoạch, thiết kế, trình phê duyệt, chủ đầu tư và các ngành chức năng sẽ thẩm định, tính toán, xác định đầy đủ hạng mục, diện tích công trình phục vụ nhu cầu cộng đồng dân cư, bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội" - ông Tuấn nói.
(Theo Hà Nội Mới)