SearchNews

Làm nhà ở xã hội: Doanh nghiệp than thủ tục hành chính phức tạp

28/02/2014 12:26

Nhiều doanh nghiệp địa ốc phản ánh, khâu khó nhất của việc làm nhà giá rẻ là thủ tục hành chính. Thực tế, để nhận được quyết định được chấp thuận đầu tư một dự án, các doanh nghiệp phải tự thân vận động, chạy đua với thời gian để "vượt" qua rất nhiều "cửa" tại nhiều sở ngành khác nhau.

Mới đây, tại Hội thảo "Phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ trên địa bàn Tp.HCM", ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân cho biết, công ty ông đang xây dựng 18 dự án nhà ở xã hội nhưng gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục hành chính.

Cụ thể, theo ông Tuấn, tại dự án nhà ở xã hội thuộc địa bàn xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, doanh nghiệp phải mất đến 2 năm nhưng vẫn chưa xong hồ sơ. Đầu tiên, công ty phải trình lên cấp huyện để xét duyệt, rồi đợi Sở Xây dựng Tp.HCM bổ sung hồ sơ. Sau đó, doanh nghiệp tiếp tục đợi các sở ngành góp ý, cuối cùng, DN chờ UBND Tp.HCM chấp thuận. Mỗi một lần trình, công ty ông mất 2 tháng. Đến nay đã 2 năm nhưng chưa xét duyệt xong.

xây nhà ở xã hội
Nhiều doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính đối với việc xây dựng
nhà ở xã hội hiện nay đang quá phức tạp

Ông Tuấn cho rằng, vấn đề nằm ở quy trình xét duyệt thủ tục. Thông thường, một quy trình xét duyệt dự án phải mất 2 năm trở lên. Do đó ông Tuấn kiến nghị nên chăng đối với nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân phải giao Sở Xây dựng làm đầu mối, như vậy mới có quy trình nhanh cho doanh nghiệp. 

Là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm làm nhà giá rẻ ở khu Tây, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, công ty ông đã xây được 2.000 căn hộ cho thuê trong 49 năm với giá khoảng 400 triệu đồng. Lê Thành hiện cũng đang có 185 căn hộ cho thuê với giá 1,5-2 triệu đồng/tháng.

Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng, thủ tục hành chính là cái khó nhất của việc làm nhà giá rẻ. Ông chia sẻ, công ty của ông xin giấy phép làm nhà ở xã hội từ tháng 7/2016 nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt. Dù đã có quyết định giao đất, đóng tiền sử dụng đất nhưng UBND Tp.HCM lại hỏi bồi thường giải tỏa xong chưa. Đây là câu hỏi không hợp lý nhưng khiến công ty bế tắc mấy tháng qua.

Công ty Thiên Phát cũng làm 2.500 chỗ ở cho công nhân thuê ở Khu công nghiệp Linh Trung II. Mỗi căn hộ tại dự án này rộng 35m2, cho công nhân thuê 1,9 triệu đồng/tháng với đầy đủ tiện ích.

Tuy nhiên, Thiên Phát cho biết công ty này cũng có một dự án đã xin giấy phép làm nhà ở xã hội tới 7 năm nhưng hiện chưa xong. Một dự án khác của Thiên Phát hợp tác với Thanh niên xung phong Tp.HCM ở quận 12 cũng chưa thể động thổ do vướng thủ tục từ nhiều năm qua. Công ty này cho biết, trong quá trình đó công ty cũng phải trải qua rất nhiều khâu, nhiều cơ quan khác nhau nhưng mỗi nơi lại trả lời từng vấn đề không giống nhau.

Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng theo đó đã đề nghị ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM nên giao riêng "một cửa" cho đơn vị cấp, tiếp nhận hồ sơ và xử lý với các dự án nhà ở xã hội. Đồng thời, TP cũng đặt mục tiêu thời gian hoàn tất thủ tục ban đầu khi xây dựng dự án loại này là 6 tháng.

Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết sẽ giao cho Sở Xây dựng làm đầu mối tiếp nhận và cấp phép dự án NƠXH đồng thời khẳng định sắp tới sẽ không còn cảnh các doanh nghiệp cầm hồ sơ "chạy" đi khắp nơi nữa.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu